Kẻ thù chung của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, phong trào ly khai người Kurd
Hôm 6/3, Bộ trưởng Bộ nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu ,trong một buổi phát biểu với quần chúng ở thành phố Antalya cho biết cuộc không kích cùng ngày nhằm vào PKK là kết quả của một chiến dịch quân sự chung giữa họ và Iran dọc theo biên giới phía đông của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Vào lúc 8:00 sáng nay, chúng tôi đã bắt đầu một chiến dịch chung với Iran nhằm vào PKK ở biên giới phía đông của chúng tôi. Chúng tôi sẽ sớm thông báo kết quả."
Tuy nhiên Suleyman Soylu đã không cung cấp thêm thông tin chi tiết về chiến dịch.
IRNA (hãng thông tấn chính thức của Iran) trích dẫn một nguồn tin quân đội nước này cho biết các lực lượng Iran không tham gia trực tiếp vào cuộc không kích.
Đảng Công nhân người Kurd (PKK) với mục tiêu thành lập một quốc gia ly khai cho người Kurd thiểu số bị Ankara và nhiều nước phương Tây coi là một "tổ chức khủng bố" và là nguyên nhân chính của cuộc xung đột trong hơn ba thập kỷ và khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc chi nhánh của PKK hoạt động ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Iraq và Syria dưới một tên khác là Liên minh dân chủ Syria (PYD).
Lực lượng đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Maranaz, phía nam Azaz, Syria trong một chiến dịch truy quét YPG diễn ra năm 2017
Cánh vũ trang của PYD là Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) lại là một bộ phận quan trọng của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn.
Còn tại Iran, từ năm 2004 một chi nhánh khác của PKK có tên Đảng vì cuộc sống tự do của người Kurd (PJAK), đã đối địch với chính phủ Tehran.
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa PKK và Ankara đã sụp đổ vào năm 2015, và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy mạnh các chiến dịch truy quét không giới hạn về địa lý (trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và lãnh thổ phía bắc của Iraq, nơi đặt căn cứ đầu não của PKK).
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các lực lượng đối lập Syria đồng minh cũng đã triển khai hai chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria là Lá chắn Euphrates (2016) và Cành Olive (2018) để thu hẹp lãnh thổ Syria do YPG kiểm soát (mà họ gọi là Rojava) dọc biên giới phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara cũng đã thuyết phục Nga, quốc gia đồng minh quan trọng nhất của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng với Iran để loại trừ cánh chính trị của YPG ra khỏi các cuộc đàm phán với lực lượng đối lập Syria.
Lý lẽ của họ căn cứ vào một thỏa thuận năm 1998 với chính phủ Syria về việc loại bỏ hoạt động của PKK bên trong lãnh thổ Syria.
Vấn đề người Kurd đã khiến Ankara,Tehran,Baghdad và Damascus xích lại gần nhau
Hôm 17/3, theo truyền thông địa phương, Tham mưu trưởng của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Cộng hòa Hồi giáo Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri, đã tới Damascus để thảo luận về việc chống lại các nhóm "khủng bố" với các đối tác Syria và Iraq.
Hãng thông tấn Sinh viên Iran dẫn lời Mohammad Bagheri nói rằng:
"Các lực lượng nước ngoài ở Syria, đặc biệt là trong khu vực do YPG kiểm soát, phải rời khỏi đất nước Syria càng sớm càng tốt".
Cần nói thêm rằng nhiều nhà phân tích độc lập đã làm rõ việc quân đội Mỹ vẫn tiếp tục hiện diện tại Syria cho đến nay đã khiến Ankara chưa thể thực hiện một chiến dịch quân sự quy mô để truy quét YPG.
YPG hiện tại là xương sống của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), đồng minh chính của Hoa Kỳ tại Syria chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Với sự hỗ trợ của không kích và vũ khí do Mỹ viện trợ, SDF đã biến lãnh thổ do IS kiểm soát ở vùng đông bắc Syria trở thành một trại tị nạn gần biên giới Iraq.
Nhưng đồng thời với quyết định vào tháng 12/2018 của Tổng thống Mỹ Donald Trump về kế hoạch rút lực lượng Mỹ ra khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần đe dọa tấn công YPG.
Binh sĩ Mỹ bên cạnh chiến binh YPG tại phía đông Syria
Alexey Khlebnikov, một nhà phân tích Trung Đông tại Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga cho biết:
"Nếu Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thực sự hợp tác chống lại người Kurd, thì nó có ý nghĩa rằng các hoạt động quân sự sẽ bao trùm toàn bộ khu vực và không bị giới hạn bởi các đường biên giới.".
"Đây có thể được coi là một thông điệp mạnh mẽ cho người Kurd ở Syria và người Mỹ. Hợp tác quân sự Ankara-Tehran có thể sẽ được mở rộng tại Syria."
Ziya Meral, một nhà nghiên cứu về Trung Đông có trụ sở tại London, cho rằng một số cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Iran trước đây đã được xét lại một cách thận trọng.
"Nhiều người ở Ankara vẫn nghĩ rằng Iran hỗ trợ PKK nhưng lại không nghĩ tới chi nhánh của PKK là PJAK".
Một nhóm nữ chiến binh của YRK (nhánh vũ trang của PJAK) tiến hành chiến tranh du kích chống chính phủ Iran
Hôm 17/3, quân đội Iraq cũng đã giao tranh với các chiến binh người Kurd thuộc PKK ở Tỉnh Sinjar, gần biên giới với Syria.
Còn tại Iran, Hãng tin người Kurd (Kurdistan24) đưa tin rằng các chiến binh không rõ danh tính đã thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào lính biên phòng Iran ở khu vực người Kurd ở Iran.
Theo các chuyên gia, các động thái này đã làm tăng khả năng các nhóm phiến quân người Kurd có thể đối mặt cùng lúc với một cuộc truy quét ở cả bốn quốc gia Trung Đông.
Paul Levin, giám đốc Viện nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Đại học Stockholm cho biết:
"Tất cả có thể chỉ là sự trùng hợp hoặc một cuộc xung đột cường độ thấp tương tự cái mà chúng ta đã thấy trong nhiều năm qua.
Đây cũng có thể là khởi đầu một cuộc chiến gồm có bốn mặt trận của cả Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Syria. Nó sẽ gây khó khăn rất lớn cho PKK và các lực lượng đồng minh của họ (người Mỹ) trong khu vực".
Đồng minh của Hoa Kỳ là Khủng bố, tại sao?
Tuy PKK đã bị liệt kê là một tổ chức khủng bố không chỉ bởi Thổ Nhĩ Kỳ mà cả Mỹ và Anh.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tiếp tục đấu tranh trên trường quốc tế để chứng minh mối liên hệ giữa PKK và các chi nhánh của nó như Liên minh dân chủ Syria (PYD) và nhánh vũ trang YPG.
Trên thực tế, có rất nhiều bằng chứng làm rõ mối liên hệ giữa PKK và PYD, cho thấy cả hai đang hoạt động dưới sự bảo trợ của một tổ chức có tên là Liên minh Cộng đồng Kurdistan (KCK) cùng với các nhóm li khai người Kurd khác.
KCK là một tổ chức "thống nhất Apoist". Đây là một thuật ngữ được sử dụng để miêu tả những nhóm được người sáng lập PKK Abdullah Öcalan thành lập và hoạt động theo ý thức hệ của ông. Ban đầu KCK được đặt tên là Liên minh các Ủy ban người Kurd (KKK).
Tổ chức bình phong này được thành lập năm 2005 với tư cách là một "Nhà nước" của PKK và được xác định bao phủ toàn bộ cộng đồng người Kurd tại bốn nước Syria, Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Nó bao gồm một ủy ban điều hành (Hành pháp), một nghị viện được gọi là Kongra-Gel (Lập pháp) và một nhánh Tư pháp.
Murat Karayılan và Cemil Bayık lần lượt là Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Hội đồng điều hành.
Cánh vũ trang của PYD là YPG tuần hành cùng ảnh và cờ lãnh đạo PKK Abdullah Öcalan, ảnh chụp tại một cuộc tuần hành tại al-Muabbadah, Hassakah, Syria tháng 2/2018
"Người Kurd có thể phát triển dựa trên các cuộc đối thoại dân chủ với nhà cầm quyền của các quốc gia nơi họ sống.
Người Kurd tiến hành một cuộc đấu tranh trong sự hiểu biết của một quốc gia dân chủ.
Đây là lý do tại sao KCK đại diện cho tất cả người Kurd. KCK có thể thay mặt người Kurd đàm phán với Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq thay mặt người Kurd.".
Tuyên bố của Öcalan cho thấy ông đã rút kinh nghiệm sau thất bại của hình thức đấu tranh ly khai-vũ trang không khoan nhượng với Thổ Nhĩ Kỳ, và rằng họ cần một thực thể chính trị như KCK để tiến hành kết hợp đấu tranh vũ trang và đàm phán.
Trong bài báo của PKK xuất bản vào tháng 4/2007, các nhóm trung thành với Öcalan sẽ hoạt động dưới sự quản trị của KCK là PKK (Thổ Nhĩ Kỳ), PYD (Syria), Đảng vì cuộc sống tự do của người Kurd PJAK (Iran) và Đảng Giải pháp Dân chủ Kurdistan PÇDK (Iraq).
Sơ đồ tổ chức của các nhóm ly khai người Kurd ở Trung Đông
PKK được thành lập tại Syria vào năm 1978 bởi Abdullah Öcalan, trong thời gian xung đột giữa người Kurd và người Thổ Nhĩ Kỳ, Syria luôn là căn cứ địa mỗi khi PKK gặp thất bại về quân sự.
Nhưng vào năm 1998, trước việc bị đe dọa tiến hành chiến tranh từ Thổ Nhĩ Kỳ vì cáo buộc cung cấp hậu cần và huấn luyện cho PKK, Chính phủ Syria ra lệnh cho PKK phải rời khỏi đây.
Động thái này tạo ra sự cần thiết khiến PKK phải có một bình phong mới ở miền bắc Syria để tiếp tục hoạt động.
Năm 2003, cánh chính trị của PKK đổi tên và trở thành "Đại hội nhân dân Kurdistan" hay Kongra-Gel trực thuộc KCK.
Trước đó vào năm 2000, cánh vũ trang của PKK đổi tên thành Lực lượng Quốc phòng Nhân dân (HPG) đã bảo tồn sơ đồ tổ chức lãnh đạo của PKK.
KCK (lúc này là KKK) đã đưa ra một tuyên bố vào năm 2006, trong đó họ thừa nhận PYD là chi nhánh của họ ở phía tây Kurdistan.
"PYD, với tư cách là cánh tay nối dài của KKK ở tây Kurdistan, đã cố gắng tự tái cấu trúc và tạo ra một hệ thống bằng cách tổ chức một đại hội chung".
Vào năm 2009, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi PYD là chi nhánh Syria của KCK.
Osman Öcalan, em trai của Öcalan thì tuyên bố năm 2013:
Vào năm 2004, PYD đã thành lập cánh vũ trang của mình, YPG. Có rất nhiều điểm tương đồng với cánh vũ trang của PKK, HPG. Cả hai tổ chức vũ trang đều có tên, từ viết tắt và cờ giống nhau.
Tương tự như PYD, PJAK là chi nhánh KCK của Iran, được thành lập năm 2004 và hiện đang hoạt động dưới sự lãnh đạo của Abdul Rahman Haji Ahmadi.
Cánh vũ trang của nó được gọi là Đơn vị Đông Kurdistan (YRK). Tổ chức này đã bị liệt vào danh sách khủng bố của Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Theo một bài báo trên tờ Wall Street được xuất bản năm 2015 với tiêu đề "Đồng minh Marxist của Mỹ chống lại IS". Zind Ruken một thành viên PKK cho biết YPG ở Syria, PJAK ở Iran và HPG ở Thổ Nhĩ Kỳ tuy riêng biệt nhưng liên kết chặt chẽ với nhau.
"Chúng tôi là PKK nhưng phân theo chi nhánh. Lúc ở Thổ Nhĩ Kỳ tôi là HPG, ở Iran tôi là PJAK, còn tại Syria tôi là YPG. Điều đó không thực sự quan trọng vì chúng tôi đều là thành viên của PKK".
Comments
Post a Comment