Israel bị đe dọa bằng "Chiến tranh địa đạo"
Thiếu tướng Quân đội Arab Syria (SAA) Lu'ayy Shehadeh mới đây đã tuyên bố với Kênh truyền hình Al-Manar của lực lượng Hezbollah rằng cuộc chiến tranh Syria đã biến binh lính nước này trở thành các "chuyên gia" về địa đạo.
"Tôi có thể nói với bạn rằng với tư cách là chuyên gia về chiến tranh đường hầm, chúng tôi đã có những bước tiến lớn ngay trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Điều này xảy ra trong suốt những năm đã qua của cuộc chiến".
Trong lịch sử 75 năm, SAA hiếm khi tuyên bố mình là "chuyên gia" về bất cứ lĩnh vực gì.
Tuy nhiên trong cuộc chiến chống lại Phiến quân và tổ chức khủng bố IS, những kẻ địch sử dụng thành thạo chiến thuật "Chiến tranh địa đạo" đã mang lại cho SAA một "bài học đẫm máu".
Một địa đạo của phiến quân được xây dựng kiên cố ở Douma, Đông Ghouta, Syria.
Không chỉ quân chính phủ Syria, chính lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ và các chiến binh người Kurd do Mỹ hậu thuẫn cũng gặp phải khó khăn vô cùng lớn mới có thể tiêu diệt IS trong các khu phức hợp - đường hầm - mê cung ở các chiến trường Afghanistan, Iraq và Syria.
Các địa đạo cho phép chiến binh IS an toàn trước các cuộc không kích và hỏa lực pháo binh, vượt thoát khỏi các vòng vây và xuất hiện từ dưới lòng đất trong các cuộc phục kích.
Những "giáo viên thành thạo" này vô hình chung đã truyền lại "chuyên môn" cho SAA.
Một cỗ máy đào địa đạo ở Syria.
Golan sẽ trở thành "Điện Biên Phủ" thế kỷ 21?
Shehadeh, một thành viên của Quân đoàn kỹ thuật SAA, giải thích rõ hơn về "Chiến tranh địa đạo":
"Gần đây, chúng tôi đã đạt đến khả năng mà các binh sĩ (SAA) có thể đào các đường hầm chất lượng cao, trong mọi điều kiện địa chất xung quanh và ở bất kỳ độ sâu nào phù hợp với yêu cầu tác chiến.
Tôi sẽ không tiết lộ thông tin mật, nhưng tất cả các thiết bị này được sản xuất tại Syria và điều này là rất quan trọng.
Chúng tôi có một số thiết bị nhập khẩu, nhưng trang thiết bị quan trọng nhất được sản xuất tại địa phương.
Chúng tôi đã tin ngay từ đầu rằng (Chiến tranh Syria) sẽ kết thúc bằng một chiến thắng. Nhưng cuộc chiến thực sự, cuộc xung đột (với Israel) vẫn tiếp diễn.
Chúng tôi sẵn sàng tiến hành "Chiến tranh địa đạo" cả về phòng thủ lẫn tấn công - và đặc biệt chú trọng tấn công. "
Một máy đào địa đạo bị phát hiện trong nội chiến Syria.
Lực lượng Hamas đã đào các địa đạo để xâm nhập vào miền Nam Israel từ Gaza, chúng liên tục được sử dụng để tấn công và bắt cóc binh lính Israel. Hezbollah cũng đã sử dụng các đường hầm để phục kích xe tăng và binh lính Israel trong Chiến tranh Lebanon năm 2006.
Gần đây Israel đã phát hiện ra một số địa đạo do Hezbollah đào vào miền bắc Israel, làm dấy lên lo ngại rằng Hezbollah sẽ sử dụng các đường hầm cho một cuộc tấn công bất ngờ nhằm chiếm đóng các thị trấn của Israel ở biên giới phía nam Lebanon.
Trên thực tế, nếu quân đội Syria chuẩn bị tiến hành "Chiến tranh địa đạo", thì điều này sẽ mở ra một mặt trận mới trên Cao nguyên Golan, nơi khá yên tĩnh kể từ sau Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
Cao nguyên Golan là một dải núi đá bazan xen lẫn đá vôi và hình thành một đồng bằng núi lửa.
Với việc Iran và Hezbollah tiếp tục hiện diện tại Syria, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cũng đã dự đoán tương tự rằng Cao nguyên Golan có thể trở thành một khu vực "Chiến tranh địa đạo" khác. Dù Syria đã tiếp cận đủ các công nghệ, việc họ triển khai có thể cũng sẽ không gây nhiều cú sốc cho đối thủ.
Lực lượng IDF đóng tại Cao nguyên Golan, nơi tiềm ẩn một cuộc xung đột tiềm tàng với Hezbollah ở phía bắc, hiện đang chuyển hướng sang phía đông, phía Syria.
Một phần quan trọng của cuộc tập trận gần đây được thực hiện bởi Lữ đoàn thiết giáp 188 của IDF chính là chiến thuật chống "Chiến tranh địa đạo"
Liệu Syria có thể biến cao nguyên Golan trở thành một Điện Biên Phủ trong tương lai hay không, hay những gì họ nói chỉ là tuyên truyền, thời gian sẽ trả lời câu hỏi.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, để chống lại các cứ điểm phòng ngự kiên cố của quân Pháp, Quân đội nhân dân Việt Nam đã áp dụng chiến thuật "vây lấn" rất có hiệu quả bằng việc đào các giao thông hào dần dần bao vây và siết chặt, tiếp cận dần vào các vị trí của Pháp.
Đồi A1 là cứ điểm mạnh và khó dứt điểm nếu bằng tấn công bộ binh thông thường, Quân đội Việt Nam đã chuẩn bị hàng nghìn cân bộc phá trong địa đạo để phá hủy phần vững chắc nhất của hệ thống phòng ngự đối phương vào ngày 6/5/1954.
Chiến thuật vây lấn bằng giao thông hào và chiến thuật đánh bộc phá địa đạo là hai chiến thuật quan trọng dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ.
Quân đội Syria sử dụng bộc phá đánh sập căn cứ của phiến quân tại khu vực Jobar, Damascus năm 2014.
Comments
Post a Comment