Nguyên nhân khiến Nga không công bố tên gọi của loại tên lửa hành trình không đối đất mà họ thu được sau trận không kích do liên quân Mỹ - Anh - Pháp tiến hành vào các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Syria bị cáo buộc là nơi sản xuất hoặc tàng trữ vũ khí hóa học đã gây ra khá nhiều thắc mắc.
Trong khi tên lửa hành trình Tomahawk bị thu giữ được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông thì quả đạn còn lại là AGM-158 JASSM hay Scalp EG/Storm Shadows hiện vẫn chưa rõ.
Hai loại tên lửa không đối đất này có hình dáng bên ngoài khác biệt nhau rất rõ ràng, kể cả có bị biến dạng vì va đập xuống nền đất cứng thì việc nhận diện nó khi đầu đạn chưa phát nổ cũng chẳng có gì khó khăn, vậy tại sao Nga lại giữ kín?
Tên lửa mục tiêu ADM-160 MALD treo dưới cánh máy bay ném bom B-52
Khả năng đầu tiên được nhắc tới đó là Nga muốn tạo cho đối thủ sự bất ngờ vì không biết họ đã nắm rõ tính năng kỹ chiến thuật của loại tên lửa hành trình cụ thể nào.
Giả sử Mỹ và Anh - Pháp biết được Nga đã khám phá bí mật ẩn giấu trong tên lửa AGM-158 hay Storm Shadows thì chắc chắn họ sẽ phải cải tiến lại rất nhiều để tránh bị "bắt bài" trong những lần sử dụng sau.
Nhưng nhờ lớp "sương mù" mà Nga giăng ra vào thời điểm này, có lẽ để chắc ăn thì cả Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ lẫn MBDA của châu Âu đều đang phải tiến hành chỉnh sửa vũ khí của mình, bất chấp việc chưa chắc tên lửa tấn công ngoài tầm phòng không điểm của họ đã bị lộ tham số mật, đây là một sự lãng phí khá lớn.
Tên lửa ADM-160 MALD có thể giả tín hiệu cũng như đường bay của rất nhiều loại đạn tấn công tiên tiến
Bên cạnh đó còn một khả năng nữa cũng đang được nhắc tới và thu hút nhiều sự chú ý, đó là quả tên lửa không đối đất mà Nga thu được thực chất chỉ là đạn mồi bẫy ADM-160 MALD.
Trong cuộc tấn công diễn ra hôm 14/4, máy bay ném bom B-1B Lancer của Mỹ được cho là đã phóng một số lượng nhất định tên lửa mồi bẫy MALD đi kèm JASSM nhằm đánh lạc hướng phòng không Syria.
MALD có thể phát xạ tín hiệu gây nhiễu làm lẫn lộn các mục tiêu trên không đối với các đài radar phòng không của đối phương và tái tạo chính xác các tín hiệu gây nhiễu từ máy bay tàng hình cho tới tên lửa hành trình.
Bằng cách đó, nó làm cho các hệ thống tên lửa đánh chặn không phân biệt được mục tiêu thật giả để có biện pháp can thiệp thích hợp.
Do không có đầu đạn nên tên lửa ADM-160 sẽ còn khá nguyên vẹn sau khi lao xuống đất, liệu có phải Syria đã thu được một quả đạn loại này nhưng vì chưa xác định được nó là gì nên cứ bàn giao cho Nga để nghiên cứu?
Sẽ cần thêm một khoảng thời gian khá dài nữa để có thể kiểm chứng hai khả năng trên và đưa ra được kết luận chính xác nhất.
Giới thiệu tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa mồi bẫy ADM-160 MALD
Comments
Post a Comment