Trung Quốc đã hai lần được Mỹ mời tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương ( RIMPAC ) - sự kiện hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới diễn ra 2 năm một lần tại các khu vực thuộc bang Hawaii và phía Nam California.
Năm 2014, Trung Quốc đã gửi 4 tàu chiến, trong đó có khu trục hạm tên lửa Haikou và khinh hạm Yueyang tham gia. Tại RIMPAC 2016, Trung Quốc cũng đóng góp 5 tàu chiến, 1.200 binh lính và sĩ quan tham dự.
Thế nhưng đến RIMPAC năm nay, Trung Quốc đã bất ngờ bị Mỹ "loại khỏi cuộc chơi" và được xem là thông tin đáng chú ý nhất ngay từ khi cuộc tập trận còn chưa khai mạc.
Trước đây, Mỹ mời Trung Quốc tham gia với hy vọng Bắc Kinh sẽ có nhiều thiện chí hợp tác hơn cũng như để tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau. Nhưng kỳ vọng này của Mỹ đã không thành hiện thực. Lý do Mỹ rút lại thư mời Trung Quốc đã được Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố công khai.
"Mỹ cam kết vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các cấu trúc trên Biển Đông chỉ làm gia tăng thêm căng thẳng và bất ổn trong khu vực", Trung tá Christopher Logan - người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết hồi tháng 5/2018.
"Để đáp trả hành động này của Trung Quốc, chúng tôi đã không mời Hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018. Thái độ của Trung Quốc không đồng nhất với các nguyên tắc và mục đích của RIMPAC", Trung tá Logan nhấn mạnh.
Đội hình tàu chiến và tàu ngầm Mỹ tham gia RIMPAC 2012. Ảnh: HQ Mỹ
Bình luận về quyết định này của Mỹ, chuyên gia Brad Howard của trang mạng Task and Purpose đã đưa ra một nhận xét khá hóm hỉnh nhưng lại phản ánh đúng bản chất cung cách của Bắc Kinh khi ông cho rằng Trung Quốc đã hành xử "giống như một đứa trẻ được mời đến bữa tiệc rồi khoắng hết thức ăn trong tủ lạnh mà chẳng cần xin phép ai."
Brad Howard viện dẫn 2 trường hợp điển hình để minh chứng cho ý kiến đánh giá trên của mình, đó là cách Trung Quốc đã hành xử sau khi được mời tham dự tập trận RIMPAC trong các năm 2014 và 2016.
Với RIMPAC 2014, mặc dù Mỹ chỉ mời có 4 tàu chiến của Hải Quân Trung Quốc tham dự nhưng nước này vẫn cử tới đây một "vị khách không mời" khác, không phải để tập trận mà là để do thám các nước thành viên khác.
"Chúng tôi đã phát hiện một tàu do thám Trung Quốc hoạt động ngay sát vùng biển chủ quyền của Mỹ ở Hawaii", Đại úy Darryn James, phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương cho biết trên tờ USNI News.
"Chúng tôi hy vọng con tàu này sẽ tiếp tục hiện diện ngoài vùng biển chủ quyền của Mỹ và không hành xử theo cách làm gián đoạn cuộc tập trận RIMPAC đang diễn ra".
Trong khi đó, theo USNI News, con tàu này được Bắc Kinh điều tới để "thu thập dữ liệu điện tử và thông tin của các tàu và máy bay hoạt động xung quanh".
"Vị khách không mời" của Trung Quốc bị phát hiện trong RIMPAC 2014. Ảnh: USNI News
Trường hợp thứ hai được chuyên gia Brad Howard viện dẫn là những gì diễn ra sau RIMPAC 2016.
Theo Hải quân Mỹ, mục đích của cuộc tập trận đa quốc gia RIMPAC là thúc đẩy hòa bình và góp phần làm giảm bớt những căng thẳng quốc tế trên biển nhưng ngay sau RIMPAC 2016, Trung Quốc đã có những hành động đi ngược lại hoàn toàn với những nguyên tắc và mục tiêu của cuộc tập trận.
Cụ thể, Trung Quốc đã liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông bằng việc triển khai tên lửa, máy bay chiến đấu tới các các đảo nhân tạo mà họ xây dựng phi pháp tại đây.
Trước cách hành xử bất nhất và phi pháp của Trung Quốc như vậy nên với cuộc tập trận RIMPAC 2018 trong khi Mỹ gửi thư mời cho những nước bạn bè như Nhật Bản và Việt Nam thì Washington cũng đồng thời soạn một lá thư gửi tới Bắc Kinh thông báo họ sẽ không được mời tham gia RIMPAC 2018 nữa.
Video giới thiệu cuộc tập trận RIMPAC 2016
Comments
Post a Comment