Chính lời mời chân thành này của các sĩ quan Lào tại sân bay Wattay - căn cứ lớn nhất của Không quân đất nước Triệu Voi, chúng tôi - những phóng viên Việt Nam đã được chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị. Tất nhiên là bằng tiếng Việt, chứ không phải tiếng Lào!
Khám phá bí ẩn Không quân Lào
Được thăm Không quân Lào là một dịp may hiếm có. Không có thời gian chuẩn bị, thông tin mà tôi thu thập được khá ít ỏi vì quả thực Không quân nước bạn hầu như ít được báo chí cả trong nước lần quốc tế quan tâm và đưa tin. Tìm trên mạng xã hội cũng vậy, chả có thu hoạch gì đáng kể.
Chính vì thế, ngay khi đặt chân xuống sân bay Wattay - căn cứ lớn nhất của Không quân Lào nằm ở ngoại ô Thủ đô Vientiane, tôi đã tâm niệm rằng sẽ tận dụng tối đa dịp may hiếm có để được tìm hiểu về một lực lượng còn khá bí ẩn với cả thế giới.
Sĩ quan không quân Lào rất thân thiện, nói tiếng Việt khá tốt.
Mặc cho buổi Lễ bàn giao trực thăng Mi-17 và Mi-171V của Công ty trực thăng Nga (Russian Helicopters) diễn ra hoành tráng trong hội trường với những bài phát biểu dài dằng sặc của cả hai bên, tôi tranh thủ lân la ra sân đỗ để sờ mó những chiếc máy bay vừa được hồi sinh trên đất Lào một cách trọn vẹn dưới bàn tay của những chuyên gia Nga.
Không lỉnh kỉnh máy ảnh, máy quay nặng nề như các phóng viên quốc tế khác khi đi các Triển lãm Hàng không quốc tế, tôi chọn cho mình những thứ tối giản nhất, do vậy việc chạy khắp sân bay cũng chả vấn đề gì lắm.
Đang mải mê săn những bức hình đẹp nhất về chiếc trực thăng Mi-171 gần như mới tinh thì bỗng có chuyện xảy ra: "Lên đây, lên đây!"
Tôi ngỡ như mình nghe nhầm. Nhưng không, cùng với nụ cười tươi rói là lời mời của 3 sĩ quan KQ Lào đang "ngự" trên chiếc trực thăng Mi-171 đeo rocket rất hầm hố. Chắc tại các anh thấy tôi nói tiếng Việt!
Tót lên máy bay ngay lập tức, điều tôi nhận được chính là lời "Xin chào!" và những cái bắt tay thật chặt. Trong số 3 sĩ quan không quân có một anh nói tiếng Việt rất sõi.
Hỏi ra mới biết là anh từng học ở Việt Nam. Anh kể đó là Trường 300, có lẽ là một trường về kỹ thuật không quân nào đó ở Sơn Tây, Hà Tây (nay là Hà Nội) từ hồi cuối những năm 1970.
Hiện anh đang làm thợ kỹ thuật đảm bảo mặt đất cho trực thăng Mi-17 và Mi-171 của Không quân Lào với cấp bậc Trung tá.
Sí quan Không quân Lào rất nhiệt tình "bắt" phóng viên Việt Nam làm phi công trực thăng Mi-171V.
Sĩ quan Lào nói gì về phi công quân sự Việt Nam?
Khi hỏi về Không quân Việt Nam, các sĩ quan Không quân Lào đều có chung nhận xét Không quân Việt Nam trong đó có các phi công quân sự Việt Nam rất giỏi, nhất là trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi đó các phi công tiêm kích non trẻ của Không quân Việt Nam non trẻ đã khiến cho các phi công sừng sỏ của Mỹ phải nể phục.
Tôi không ngạc nhiên về điều này! Bởi lẽ thực tế là như vậy!
Các sĩ quan KQ Lào cũng không quên ơn các bạn Việt Nam đã hỗ trợ giúp đỡ họ cả trong thời chiến lẫn thời bình. Hiện nay vẫn có nhiều sĩ quan phi công (trực thăng), chỉ huy tham mưu (phòng không - không quân) của Lào được đào tạo bài bản ở các học viện, nhà trưởng Việt Nam và về nước góp phần xây dựng Quân đội Lào ngày một chính quy.
Những cái bắt tay thật chặt giữa những người bạn Việt Nam - Lào. Ảnh: Xuân Hoàng
Trực thăng Mi-171V của KQ Lào. Ảnh: Xuân Hoàng
Tiếp xúc với một cựu phi công MiG-21 lão luyện của Không quân Lào hiện đang là Trung tá, công tác tại Bộ Tư lệnh Không quân Lào, tôi lại được nghe kể những câu chuyện thú vị hơn.
Cựu phi công MiG-21 của Không quân Lào.
Năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng cái khí chất của phi công tiêm kích phản lực vẫn thể hiện rất rõ nét mạnh mẽ và chân tình. Anh cho biết mình học ở Việt Nam từ năm 1968 tới năm 1972 trong thời kỳ cả hai nước Việt - Lào đều đang rất gian khổ, đặc biệt là Việt Nam.
Tuy nhiên, có những kỷ niệm rất đáng nhớ mà có lẽ anh không bao giờ quên được, đó là những khi nghe tin Không quân Việt Nam đánh thắng Không quân Mỹ, cả trường hò reo, mừng rỡ. Không hề có sự phân biệt giữa các bạn Lào hay Việt Nam, đều "sướng" như nhau.
Sau này, anh được đi học phi công MiG-21 ở Liên Xô và bay trên dòng tiêm kích huyền thoại này đến tận năm 2005, trước khi về công tác tại Bộ Tư lệnh Không quân Lào.
Anh kể mình vẫn theo dõi thường xuyên những bước lớn mạnh của Không quân Việt Nam và đánh giá rất cao trình độ làm chủ vũ khí của các phi công tiêm kích phản lực MiG-21, Su-22, Su-27 và Su-30MK2.
Anh chia sẻ, hiện nay MiG-21 của Không quân Lào đã bị loại biên nhưng tới đây, sẽ được trang bị máy bay mới, mua từ một bạn hàng truyền thống. Đây là loại máy bay mà Không quân Việt Nam còn chưa có, ít nhất là trong vài năm tới.
Thời gian lưu lại căn cứ Wattay quá ngắn, nhưng chừng ấy câu chuyện đã khiến tôi như lâng lâng, phi công quân sự Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế (trong đó có nước bạn Lào) vẫn luôn được đánh giá cao.
Chia tay các anh, sĩ quan Không quân Lào - những người bạn của Không quân Việt Nam bằng những cái ôm nồng nhiệt và những cái bắt tay thật chặt, tôi hứa nếu có dịp sẽ trở lại thăm đất nước Triệu Voi và chúc cho Không quân Lào có những bước phát triển mới, vững chắc.
Phỏng vấn sĩ quan Không quân Lào. Video: Xuân Hoàng.
Comments
Post a Comment