Nga với những kinh nghiệm xương máu trên chiến trường đang dẫn đầu xu hướng phát triển xe chiến đấu mới phù hợp với xu thế chiến tranh bất đối xứng, tác chiến đô thị thay vì tác chiến quy ước quy mô lớn.
Phương thức thiết kế và cách trang bị vũ khí trên dòng xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT trước đây và mới nhất là T-15 Armata đã minh chứng điều đó.
Không phải là người phát kiến, nhưng là quốc gia đi đầu
Khi nói về định nghĩa xe chiến đấu bộ binh (BMP) thì Nga chính là quốc gia đi đầu thế giới trong những năm 1960 với tư duy chiến tranh tổng lực. Các đơn vị BMP mang theo bộ binh tùng thiết chính là các đơn vị tác chiến hỗ trợ các đơn vị xe tăng trong tác chiến thọc sâu.
Sự xuất hiện của các đơn vị BMP trong biên chế Quân đội Liên Xô đã tạo là làn sóng cách mạng trong tư duy chiến thuật và phương thức tác chiến xe tăng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, khi nói về xe chiến đấu hộ vệ tăng (BMPT), Liên Xô lại không phải là quốc gia phát kiến, mà lại là Israel. Sau nhiều cuộc chiến tranh với khối Ả rập, Israel thu giữ rất nhiều xe tăng T-54/55 do Liên Xô chế tạo.
Chính môi trường tác chiến đô thị tại các vùng Israel chiếm giữ đã chứng minh các loại xe bọc thép (APC) hay BMP truyền thống rất dễ bị tổn thương khi chiến đấu ở những nơi chật hẹp, khi phương tiện không tận dụng được hỏa lực mạnh mang theo, cũng như bộc lộ các điểm yếu trong tầm hỏa lực của đối phương ở cự ly gần.
Để khắc phục vấn đề này, Quân đội Israel đã thích nghi bằng cách hoán cải các xe tăng T-54/55 cũ thành xe bọc thép hạng nặng Achzarit và sau này là Namer trên khung gầm xe tăng Merkava. Đây chính là tiền thân của BMPT.
Xe chiến đấu hỗ trợ tăng (BMPT) T-15 Armata tại ARMY-2018. Ảnh: Bình Nguyên.
Đối với Nga, sự xuất hiện của BMPT cũng căn cứ từ các bài học xương máu khi tác chiến bất đối xứng và đô thị tại vùng Trung Á, trong đó ác liệt nhất lại ở Chechnya.
Trong hai cuộc chiến ở Chechnya, Quân đội Nga đã có được bài học xương máu khi tác chiến tăng-thiết giáp trong môi trường đô thị.
Hình ảnh những đoàn xe thiết giáp Nga bị các tổ săn tăng Chechnya chặn đứng tại Grozny đã chứng minh xe tăng và BMP không thể tác chiến trong môi trường đô thị vì giới hạn không gian và những hạn chế góc tác xạ.
Trong khi đó, các tổ hợp pháo phòng không tự hành hộ tống lại làm tốt nhiệm vụ của mình khi ghìm đầu các hỏa điểm đối phương để các đơn vị chiến đấu tiếp cận và tiêu diệt.
Chính từ bài học tác chiến trên đã là ý tưởng chính cho sự xuất hiện của BMPT Terminator với khung gầm xe tăng, nhưng sử dụng pháo bắn nhanh và có góc nâng, hạ nòng linh động như vũ khí phòng không.
Thiết kế BMPT của Nga đã lấp đầy khoảng trống vũ khí hỗ trợ trong tác chiến bất đối xứng và đô thị vốn là xu hướng xung đột chính trong vài thập kỷ trở lại đây.
Sự xuất hiện của BMPT-1, BMPT-72 và gần đây nhất là T-15 với trang bị ngày càng hoàn thiện và nhận được sự quan tâm của quân đội nhiều quốc gia trên thế giới đã minh chứng điều đó.
Tháp pháo AU-220M phát triển bởi Viện nghiên cứu Burevestnik.
Nâng cấp hỏa lực trên T-15 Armta – "Khiên cũ, kiếm mới"
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý tại triển lãm ARMY-2018 là việc Nga giới thiệu BMPT T-15 với cơ cấu hỏa lực hoàn toàn mới. Toàn bộ cụm chiến đấu với pháo 30mm và tên lửa Kornet được thay thế bằng module chiến đấu tự động hóa Baikal A-220U có năng lực chiến đấu vượt trội.
So sánh giữa pháo 30 và 57mm, uy lực không chỉ nằm ở cỡ đạn, mà còn nằm ở công nghệ thông minh áp dụng trên đạn 57mm mới.
Vốn được phát triển trên cơ sở pháo phòng không ZSU-57-2 cũ thời Liên Xô, nhưng pháo 57mm trên module A-220U lại được trang bị loại đạn thông minh có khả năng lập trình thời điểm nổ hay nổ định tầm.
Hệ thống điều khiển hỏa lực của module tính toán khoảng cách tới mục tiêu và lập trình kíp điện tử trên đạn để tính toán thời điểm nổ.
Đạn sau khi rời nòng sẽ phát nổ khi tiếp cận mục tiêu tạo ra chùm mảnh sát thương sinh lực địch. Công nghệ này tương tự như pháo tự động 40mm của phương Tây, nhưng uy lực nhờ cỡ đạn và tầm bắn lớn hơn (khoảng 4km).
Xe chiến đấu hỗ trợ tăng (BMPT) T-15 Armata tại ARMY-2018. Ảnh: Bình Nguyên.
Cơ chế đạn nổ định tầm cũng hiệu quả đối với mục tiêu bay thấp. Rõ ràng, pháo chính 57mm trên T-15 có thể là vũ khí đa dụng cho cả nhiệm vụ phòng không và yểm trợ hỏa lực bộ binh.
Với đạn thanh xuyên, pháo 57mm cho nâng cao năng lực tấn công và tiêu diệt các mục tiêu thiết giáp của đối phương ở khoảng cách lớn.
Những lợi thế trên đã giúp bù đắp thiếu hút về tốc độ bắn và cơ số đạn mang theo của pháo 57mm (khoảng 70 viên) so với pháo 30mm cũ.
Một yếu tố mới nữa trên BMPT T-15 Armata tại ARMY-2018 là việc nó thay thế các tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet bằng đạn tên lửa chống tăng siêu âm 9M120D Ataka-5.
Sự nguy hiểm của đạn tên lửa siêu âm mới nằm ở việc nó có thiết kế dạng nối tiếp (tandem) giúp tấn công các mục tiêu thiết giáp kể cả khi được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA); sử dụng công nghệ dẫn đường bằng sóng vô tuyến băng tần mm khó bị gây nhiễu và không bị hạn chế các yếu tố tự nhiên như sương mù, khói...
Với tầm bắn tới 10km và khả năng xuyên tới 1m thép cán đồng nhất (RHA), tên lửa Ataka-5 đủ khả năng bắn hạ mọi loại xe tăng hạng nặng hiện nay.
Khả năng bảo vệ của BMPT T-15 không có nâng cấp đáng kể. Vẫn là sự kết hợp giữa giáp phức hợp, ERA thế hệ 3 Relic và hệ thống phòng thủ chủ động Afghanit.
Với việc thay thế module chiến đấu mới, sức mạnh tấn công của BMPT T-15 đã được tăng cường đáng kể.
Tuy vậy, dòng vũ khí hiện đại này còn thiếu một chút "kinh nghiệm chiến trường". Sẽ không lạ nếu thời gian tới, BMPT T-15 xuất hiện tại chiến trường Syria để chứng minh tính ưu việt của mình và thể hiện bản lĩnh Nga!
Comments
Post a Comment