Trong bài viết "Dù ai thắng trong cuộc nội chiến ở Syria thì Israel cũng là người thua cuộc" đăng trên tờ Atlantic, nhà phân tích David Kenner cho rằng, chính sách mà Israel kiên trì áp dụng với Nga đã không thể kiềm chế các diễn tiến phức tạp hơn tràn sang biên giới Israel, đe dọa sự ổn định lâu dài của quốc gia này.
Nếu muốn hiểu sự mâu thuẫn trong tư tưởng của Israel đối với kết quả cuộc nội chiến tại Syria , chẳng cần nhìn đâu xa mà hãy nhìn vào Avigdor Lieberman. Năm 2016, Lieberman – Bộ trưởng Quốc phòng Israel, đã lên án Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một "tên đồ tể", đồng thời tuyên bố rằng Assad, và đồng minh của ông ta, "nên bị tống cổ khỏi Syria".
Thời gian thấm thoắt trôi qua, cho tới hồi đầu tháng này, trong lúc đang đi thị sát các đơn vị phòng không của Israel, Lieberman lại thình lình đưa ra một nhận định lạc quan về sức mạnh đang gia tăng của Assad.
"Từ quan điểm của chúng tôi, tình hình đang trở lại như thời điểm trước cuộc nội chiến ở Syria, tức là có người chịu trách nhiệm và quyền lực tập trung" – ông Lieberman nói.
Khi được hỏi tại sao ông cho rằng điều đó sẽ làm giảm nguy cơ xung đột ở biên giới phía bắc Israel, Lieberman nói: "Tôi tin như vậy. Tôi nghĩ đây cũng là mối quan tâm của ông Assad".
Hai phát ngôn này tượng trưng cho những ưu tiên mâu thuẫn nhau của Israel tại Syria. Một mặt, Assad là đồng minh quan trọng nhất của Iran trong cộng đồng Ả Rập – quốc gia mà ông Assad nắm quyền sẽ cho phép Tehran tiếp cận biên giới phía bắc của Israel, và tạo điều kiện cung cấp vũ khí cho Hezbollah.
Một mặt khác, Assad – bất chấp lập trường chống Israel gay gắt của chính phủ do ông đứng đầu – lại là một ẩn số Israel đã xác định được, không giống như mớ hỗn loạn, rối ren mà phía các tổ chức thánh chiến và phiến quân dòng Sunni đang nhăm nhe lật đổ Assad mang lại.
Tính cho tới gần đây thì vùng biên giới với Syria đã trở thành khu vực "yên bình nhất" đối với Israel trong 4 thập kỷ qua.
Vì sao Israel lo ngại sự hiện diện của Iran tại Syria?
Mặc dù đã kiềm chế ý muốn định hình kết quả cuộc chiến Syria nhưng Israel vẫn hung hăng theo đuổi một loạt các mục tiêu nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Nước này đã phát động một chiến dịch không kích nằm ngăn Iran thiết lập các căn cứ quân sự thường trực tại Syria và cung cấp các loại tên lửa tiên tiến cho Hezbollah.
Tel Aviv đã tài trợ tiền và vũ khí cho các nhóm nổi dậy Syria ở phía nam để ngăn Iran và đồng minh tiếp cận biên giới của mình, đồng thời tiến hành trả đũa khi có bất cứ bên nào bắn đạn vào vùng lãnh thổ do Israel kiểm soát.
Không những thế, quân đội Israel đã chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn bất cứ bước tiến nào của quân nổi dậy vào các vùng ở phía nam Syria, hiện đang do Druze – nhóm tôn giáo-sắc tộc nói tiếng Ả Rập – kiểm soát, do áp lực từ phía cộng đồng người Druze của Israel, họ đã rất lo ngại những hậu quả mà phiến quân có thể gây ra khi chinh phạt khu vực này.
Mặc dù chiến lược này đã giúp Israel tránh được cuộc đổ máu ở Syria nhưng nó lại không ngăn chặn được viễn cảnh tồi tệ nhất với Israel đang hình thành tại Damascus. Assad đang củng cố quyền kiểm soát của mình đối với Syria, dưới sự hỗ trợ lớn chưa từng có từ phía Iran.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và Hezbollah tại Syria đã mở rộng quy mô và củng cố mạng lưới quân sự của họ. Giờ đây, hai lực lượng này đã có trong tay các loại tên lửa tầm xa tiên tiến, có khả năng mang lại sự hủy diệt chưa từng có đối với các thành phố của Israel.
Hôm 27/8, Iran và Syria được cho là đã ký kết một thỏa thuận thúc đẩy hợp tác quân sự sâu hơn giữa hai phía.
Hezbollah tấn công một đoàn xe quân sự của Israel hồi tháng 1/2015, khiến nhiều binh lính thương vong. Ảnh: VOA
Về phần mình, Israel đã tiến hành hơn 100 cuộc không kích nhằm vào các đoàn xe chở vũ khí của Hezbollah kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh để ngăn chặn mối đe dọa. Hồi đầu tháng 8, Israel còn bị cáo buộc dùng xe bom để ám sát một nhà khoa học Syria – người đóng vai trò hàng đầu trong chương trình tên lửa tiên tiến của quốc gia này.
"Chúng tôi có thể làm rất nhiều thứ", Yaakov Amidror – cựu cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói – "Chúng tôi không thể làm được tất cả mọi điều, nhưng chúng tôi có thể làm nhiều thứ để buộc người Iran phải quyết định xem liệu họ có sẵn sàng để trả giá cho sự can thiệp vào Syria hay không".
Netanyahu đã đầu tư một khoảng thời gian rất dài vào việc thiết lập quan hệ cá nhân với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhằm dựa vào Nga duy trì áp lực đối với Iran và đồng minh.
Hai phía đã có 9 lần gặp mặt kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào Syria năm 2015. Con số này còn lớn hơn số lần Netanyahu gặp gỡ bất cứ vị lãnh đạo cấp cao nào trên thế giới.
Cuộc gặp giữa ông Netanyahu và ông Putin hồi tháng 7 tại Kremlin. Ảnh: Reuters.
Với nỗ lực ngoại giao này, Moscow đã hạn chế triển khai lực lượng phòng không của mình nhằm vào các máy bay chiến đấu của Israel khi chúng xâm nhập vào không phận Syria và tấn công các chiến binh của Iran hoặc Hezbollah.
Sự phụ thuộc của Israel vào Nga là do thái độ bất nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với cam kết lâu dài trong vấn đề Syria. Hồi đầu năm nay, ông Trump ra lệnh cho quân đội Mỹ chuẩn bị rút toàn bộ binh sĩ khỏi Syria, và tới đầu tháng này thì tuyên bố Mỹ sẽ không cung cấp 230 triệu USD dự kiến dùng để xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị phá hủy tại đây.
"Nếu các vị là một nhà hoạch định chính sách của Israel, khi nhìn về Syria, các vị sẽ thấy Nga đang ở đó và rõ ràng là họ sẽ tiếp tục ở đó" - Itamar Rabinovich, từng đảm nhiệm vai trò thương thuyết với Syria trong những năm 1990, cho hay.
"Trong khi đó, hãy nhìn về phía Mỹ - Tổng thống của nước này vừa hôm trước tuyên bố rằng muốn rút 2.000 lính Mỹ ra khỏi Syria, hôm sau lại thay đổi quyết định chỉ vì đối mặt với một số áp lực. Liệu điều đó có đáng tin cậy về lâu về dài hay không? Không có gì chắc chắn cả" – Rabinovich nói.
Nga có thể duy trì hòa bình giữa Israel và Iran
Mối quan hệ hợp tác giữa Israel với Nga dựa trên nhu cầu, chứ không phải bất cứ sự tin tưởng nào khiến cho Moscow đứng về phía Israel trong cuộc xung đột khu vực với Iran. Xét cho cùng, cả Assad và đồng minh Iran đều đang không làm chủ được tình thế vào năm 2015, cho tới khi quân đội Nga can thiệp và thay đổi cục diện cuộc chiến.
Nga từng hứa hẹn sẽ đảm bảo các lực lượng Iran luôn ở cách biên giới Israel ít nhất 85km. Tuy nhiên, phần lớn các quan chức Israel cho rằng lời hứa này không có nghĩa lý gì khi Iran có trong tay các tên lửa tầm bắn xa hơn 160km.
Mối quan hệ giữa Israel với Nga đại diện cho "mối quan hệ dựa trên lợi ích" – Yair Lapid, cựu bộ trưởng tài chính Israel cho hay – "Tôi nghi ngờ việc Nga có khả năng khiến Iran rời khỏi Syria hoặc việc Nga sẽ thực hiện điều đó chỉ vì Israel".
Những nghi ngờ đối với "năng lực kiềm chế Iran" của Nga và sự "bằng lòng giúp đỡ Israel" của Moscow ngày càng gia tăng. Bài viết gần đây của Viện Trung Đông (trụ sở tại Washington, D.C) đã phân tích một số dấu hiệu cho thấy Nga đang âm thầm giảm sự hiện diện quân sự trên bộ tại Syria. Đây là một bước đi làm giảm tác động của Nga đối với Iran và Assad.
Một cơ sở phức hợp hậu cần của Iran tại Syria bị Israel tấn công hồi tháng 5/2018. Ảnh: IDF.
Trong khi đó, Iran và các đồng minh đã len lỏi vào các tổ chức an ninh của Syria, khiến đối thủ không thể phân biệt họ với lực lượng quân đội thông thường của quốc gia này.
Diễn tiến trên có thể đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ hợp tác Nga-Israel tại Syria. "Các quan chức Israel ngày càng cho rằng, thời gian để mối quan hệ này phát huy hiệu quả đã qua đi" – Hanna Notte, chuyên gia phân tích Nga tại tổ chức tư vấn chính trị Shaikh Group, cho hay.
"Có ý kiến cho rằng việc tấn công các mục tiêu Iran và Hezbollah, sao cho không bắn nhầm binh sĩ Syria, sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn, và Nga sẽ không thể nhắm mắt làm ngơ trước điều đó" – Notte nói.
Khi các quan chức quân đội Israel vật lộn với tình thế tiến thoái lưỡng nan này, một số nhà lãnh đạo chính trị Israel đã tìm cách lợi dụng chiến tranh để củng cố quyền kiểm soát của Israel đối với cao nguyên Golan.
Israel đã chiếm giữ vùng có vị thế quan trọng chiến lược này trong cuộc chiến tranh năm 1967, và sau đó sáp nhập nó năm 1981. Tuy nhiên, không có quốc gia nào công nhận cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel.
Cao nguyên Golan luôn là điểm nóng giữa hai quốc gia. Đồ họa: Al Jazeera.
Các chính trị gia lỗi lạc của Israel, như Lapid và Bộ trưởng Giáo dục Naftali Bennett đang thúc giục Mỹ công nhận sự sáp nhập của Israel đối với vùng này.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump đang phát đi tín hiệu rõ ràng rằng Mỹ không có ý định công nhận quyền kiểm soát của Israel đối với cao nguyên Golan trong tương lai gần.
Tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cho biết, chính phủ Mỹ không có "bất cứ cuộc thảo luận nào" về vấn đề này, và hiện tại "chưa có bất cứ thay đổi nào trong lập trường của Mỹ".
Khi những "drama" về quân sự và chính trị này diễn ra thì một thức tế cơ bản dường như lại bị bỏ quên, đó là Iran và đồng minh đã sẵn sàng thách thức Israel trên nhiều mặt trận trong những năm tới.
Tại Lebanon và Syria, Hezbollah tuyên bố đã chiêu mô được số lượng lớn chiến binh và trang bị nhiều loại vũ khí tốt hơn bất cứ giai đoạn phát triển nào của tổ chức này trong lịch sử. Hồi đầu năm nay, tại dải Gaza, Hamas và Israel đã nổ ra một chuỗi các cuộc đụng độ kéo dài nhiều tháng trước khi thỏa thuận ngừng bắn được thiết lập.
Và tại Iran đang có nguy cơ ngày càng gia tăng rằng quốc gia Hồi giáo này có thể tái khởi động chương trình hạt nhân, sau khi chính quyền Tổng thống Trump quyết định áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran.
"Mục đích là để bao vây Israel bằng những lực lượng ủy nhiệm – có thể khiến Israel vướng vào một chuỗi các cuộc xung đột cường độ thấp nhưng không hồi kết, khiến cuộc sống trở nên không thể chịu đựng nổi" – Michael Eisenstadt, chuyên gia tại Viện chính sách Cận Đông (Washington) nói – "Ý tưởng ở đây là tạo ra một quá trình suy yếu về lâu dài".
Comments
Post a Comment