Cột mốc xung đột mới
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine vừa được đẩy tới một nấc thang nguy hiểm nhất trong nhiều năm nay và nó có nguy cơ làm bùng phát một giai đoạn xung đột mới đầy nguy hiểm giữa hai quốc gia láng giềng.
Ngày 25/11, các tàu biên phòng Nga đã không ngần ngại nã đạn vào 3 tàu hải quân Ukraine đang trên đường di chuyển qua Eo biển Kerch - tuyến giao thông hàng hải trọng yếu kết nối biển Đen và biển Azov khiến ít nhất 3 thủy thủ Ukraine bị thương.
Moscow sau đó đã bắt giữ cả 3 tàu Ukraine, gồm 1 tàu kéo và hai tàu pháo cùng toàn bộ thủy thủ đoàn với cáo buộc đã xâm phạm lãnh hải Nga mặc dù đã được lực lượng bảo vệ bờ biển nước này cảnh báo từ trước.
Kiev đương nhiên rất tức giận về hành động này. Tổng thống Petro Poroshenko ngay lập tức triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An Ninh và Quốc phòng Ukraine (NSDC), tuyên bố sẽ áp đặt lệnh thiết quân luật và đã được Quốc hội nước này thông qua với hiệu lực trong 30 ngày, đồng thời đặt toàn bộ quân đội trong tình trạng báo động cao.
Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nơi Nga là một thành viên thường trực cũng đã nhóm họp vào sáng 26/11 (giờ New York) để thảo luận về tình hình.
Cuộc đối đầu hải quân mới nhất giữa Nga và Ukraine lần này là đỉnh điểm tiếp nối xuay quanh tranh chấp vẫn đang tiếp diễn về vấn đề Crimea. Cách đây gần 5 năm, Nga đã quyết định sáp nhập bán đảo này sau khi Crimea bỏ phiếu chọn cách rời Ukraine, gia nhập Nga năm 2014 và kể từ đó, Moscow luôn thắt chặt các biện pháp kiểm soát.
Chẳng hạn như, tháng 5/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân tới dự buổi lễ khánh thành cây cầu dài 19.000 m bắc qua Eo biển Kerch kết nối Crimea với nước Nga lục địa, bất chấp sự phản đối từ phía Ukraine.
Mục tiêu của Kremlin là đưa những vùng biển và vùng đất xung quanh Crimea nằm hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của Nga. Đây cũng chính là một phần lý do tại sao biên phòng Nga nổ súng vào các tàu Ukraine: như một cách để khẳng định chủ quyền đối với vùng biển này.
Các tàu Ukraine bị Nga bắt giữ được đưa về cảng Kerch. Ảnh: Sputnik
Một cuộc chiến khốc liệt sắp bùng phát?
Kể từ sau sự việc cho tới thời điểm này mới chỉ có các cuộc chiến ngôn từ bùng phát giữa hai nước và cả hai đều đổ lỗi cho nhau.
Tổng thống Ukraine Poroshenko gọi động thái của Nga là một "hành động gây hấn" còn Bộ Ngoại giao Nga thì tuyên bố Ukraine phải chịu trách nhiệm về "hành động khiêu khích có chủ đích này".
Nhưng cần thấy rằng, Nga và Ukraine đã ở trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 2014 khi căng thẳng giữa hai nước nảy sinh liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Vùng biển xung quanh Crimea có tầm quan trọng đặt biệt. Hơn 80% hàng hóa xuất khẩu của Ukraine đi qua biển Azov. Đây cũng là trung tâm đánh bắt cá cung cấp lượng thức ăn lớn cho khu vực và một nguồn lợi kinh tế to lớn.
Thế nhưng, qua sự việc ngày 25/11, các chuyên gia phân tích cho rằng, rất ít khả năng Ukraine có thể tự mình làm được điều gì đó để phá vỡ vòng phong tỏa của Nga cho dù một hiệp ước ký năm 2003 cho phép Kiev quyền tiếp cận biển Azov.
"Ukraine gần như không có khả năng hải quân để tự bảo vệ mình, mặc dù nước này vẫn có kế hoạch triển khai một số phương tiện tới khu vực." Michael Carpenter, quan chức cấp cao Lầu Năm Góc phụ trách Ukraine và Nga giai đoạn 2015 - 2017 cho biết.
Điều đó giải thích tại sao nhiều nhà phân tích ủng hộ quan điểm Ukraine cần phải được trợ giúp và Nga cần phải bị trừng phạt nặng hơn nữa.
Theo Carpenter, Mỹ cần phải cung cấp cho Ukraine các radar để Kiev giám sát tốt hơn vùng biển nơi các tàu của họ hoạt động cũng như cần cung cấp thêm các tên lửa đất đối hải để Ukraine bảo vệ mình tốt hơn.
Chính quyền Donald Trump đã gia tăng viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine nhưng chưa rõ liệu Washington có sẵn sàng đẩy mạnh xu hướng này sau sự cố ngày 25/11 hay không.
Tuy nhiên, đa phần các chuyên gia đều mong muốn Mỹ và châu Âu áp đặt thêm các lệnh trừng phạt Nga sau hành động mà họ gây ra, chẳng hạn như phong tỏa các tài sản ngân hàng, trừng phạt các cá nhân liên quan tới quyết định nã đạn vào tàu hải quân Ukraine hay ngừng cấp visa cho một số quan chức Nga.
Mỹ và châu Âu cũng có thể ngăn chặn các tàu Nga cập cảng của họ trong một thời gian nhất định nào đó.
Máy bay chiến đấu Nga quần thảo trên cầu Crimea sau vụ đụng độ ngày 25/11
"Những biện pháp nặng tay có thể sẽ khiến ông Putin phải xem xét lại quyết định phong tỏa Ukraine nhưng nếu không hành động sớm, điều này có thể đồng nghĩa với việc nhiều hành động quân sự chống lại Ukraine sẽ tiếp diễn", Alina Polyakova, chuyên gia về an ninh châu Âu thuộc Viện Brookings nhận xét.
Cũng có thể, theo một số chuyên gia phân tích, một phản ứng yếu ớt trước sự việc này sẽ càng giúp Nga có thêm tự tin thực hiện những hành động hung hăng tương tự ở Lithuania, Latvia, hay Estonia - tất cả đều là thành viên NATO. Khi đó, Mỹ và các đồng minh NATO châu Âu sẽ phải ra tay bảo vệ các quốc gia này và đương nhiên dẫn tới cuộc chiến với Nga.
Cho tới nay, phản ứng của Chính quyền Donald Trump là khá mờ nhạt nhưng điều đó không có nghĩa rằng Washington sẽ không hành động, bằng cách này hay cách khác.
Trên thực tế, bất chấp việc ông Trump mong muốn cải thiện quan hệ với Nga, và về mặt cá nhân, dường như ông cũng "thân tình" hơn với ông Putin, nhưng chính quyền của ông đã trừng phạt Nga rất nhiều lần, và gần nhất là với cáo buộc vụ điệp viên Nga bị đầu độc ở Anh trong năm nay.
Ngoài ra, các lệnh trừng phạt Nga sau sáp nhập Crimea vẫn đang được duy trì như Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley vừa công cố hôm thứ Hai (26/11).
Tuy nhiên, nếu như chính quyền Trump quyết định gạt sang một bên sự cố mới nhất này thì các chuyên gia cho rằng, vụ việc ngày 25/11 có thể là sự khởi đầu cho một giai đoạn hoàn toàn mới trong cuộc chiến Nga - Ukraine, có thể sẽ là một cuộc chiến lớn hơn.
Cuộc xung đột hoàn toàn có nguy cơ biến thành một cuộc chiến rất lớn nếu như Nga sử dụng tàu chiến và máy bay để xua đuổi các tàu của Ukraine ra khỏi biển Azov.
Trực thăng Nga được điều động tới hiện trường xung đột
Comments
Post a Comment