Trong bài viết mang tựa đề "Правда ли? Американские военные всё время выбирают не те самолёты - Có thật không? Giới quân sự luôn lựa chọn không đúng những máy bay cần thiết", tác giả người Nga Yuri Kuzhelev bình luận
"Quyết định lựa chọn nào của giới quân sự Mỹ cũng ngay lập tức bị chỉ trích, người thắng cuộc bị công nhận là không phù hợp, còn các ban tổ chức bị buộc tội thiên vị. Có đúng là Không quân Mỹ thường xuyên 'mắc sai lầm' trong khi lựa chọn hay không?"
Mối quan hệ gay gắt của "Raptor" và "Goá phụ"
Bắt đầu từ cuộc đối đầu nóng nhất, tiêm kích thế hệ mới YF-22 đối mặt với YF-23, "Raptor" đối mặt với "Goá phụ". Thoạt nhìn, ở đây mọi thứ có vẻ đồng thuận.
Một mặt, dự án của liên minh "Northrop Grumman" và "Macdonnell Douglas" – YF-23, vượt trội hơn đối thủ cạnh tranh về mọi mặt. Vận tốc lớn hơn, khả năng cơ động ở vận tốc siêu thanh tốt hơn, khả năng khó bị phát hiện tuyệt vời không kém F-117 và B-2.
Trong bối cảnh đó, đứa con chung của ba công ty – "Lockheed Martin", "Boeing" và "General Dynamics" – YF-22 trông khiêm tốn hơn, nhưng có giá thành thấp hơn chút xíu. Và cuối cùng chính nó đã giành thắng lợi và được bàn giao cho quân đội.
Người ta tìm kiếm các lý do khác nhau của sự lựa chọn này: từ sai lầm ngớ ngẩn cho tới âm mưu bẩn thỉu của "Boeing" nhằm mục đích tiêu diệt "Macdonnell Douglas" để mua lại công ty này.
F-23 phiên bản sản xuất hàng loạt. Ảnh: Adam Berch
Nhưng nếu đào sâu hơn, hoá ra, "Goá phụ đen" hoàn hảo không hoàn hảo như người ta mô tả.
Mặc dù chương trình "Tiêm kích chiến thuật tương lai" (Advanced Tactical Fighter, ATF) từ giữa thập niên 80 được coi như bắt đầu chế tạo tiêm kích đánh chặn từ con số 0, đến đầu thập niên 90 mới rõ – Không quân Mỹ không và sẽ không có tiền chi cho chiếc máy bay tấn công thế hệ thứ 5, và chiếc tiêm kích tương lai sẽ phải đa năng.
Ở đây ưu thế thuộc về "Raptor" mà cơ động hơn ở tốc độ thấp, khoang vũ khí lớn hơn (YF-23 chỉ có một – hơi nhỏ) và hệ thống điện tử tốt hơn. Ngoài ra, "Lockheed Martin" và "Boeing" sử dụng "đòn cấm" – cam kết có nhiều dư địa nâng cấp đối với dự án của mình.
YF-22 được chế tạo với mục đích đơn giản hoá quá trình nâng cấp và thích ứng tốt với các nhiệm vụ khác nhau. Trạm radar mạnh hơn đối với các nhiệm vụ đánh chặn hoặc hệ thống dẫn hướng tốt hơn, động cơ mới – mọi thứ được lắp đặt một cách dễ dàng. Có lẽ điều đó đã mang lại ưu thế cho "Raptor".
Theo ý kiến của tác giả và những chuyên gia, YF-23 còn có ngoại hình đẹp hơn đối thủ cạnh tranh
Vậy quyết định của Không quân Mỹ có phải sai lầm không? Một mặt, không cụ thể hoá được toàn bộ các cam kết vào phiên bản tiêm kích F-22 sản xuất hàng loạt, và số lượng xuất xưởng cũng không lớn như kế hoạch.
Mặt khác – thời thế thay đổi, các tiêm kích hiện đại không còn chiến đấu với nhau và thậm chí với cả những máy bay các thế hệ trước, mà phần lớn với các mục tiêu trên bộ. Và ở đây tiêm kích F-22 (đôi khi được gọi là F/A-22) hoàn toàn phù hợp, còn YF-23 có lẽ sẽ có chi phí cao hơn và không hoàn toàn hiệu quả như thế.
Tuy nhiên, tất cả không làm hạ nhiệt những cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng internet. Và điều này còn lâu mới chấm dứt.
So sánh F-22 sản xuất hàng loạt, F-23 và YF-23. Ảnh: Hangar B Productions
Cuộc chiến bí mật
Cuộc đối đầu tiếp theo ít được biết đến hơn trên mạng – chủ yếu vì độ mật của nó – nhưng thậm chí với những gì có được cũng đủ để tạo nên tình tiết khá ly kỳ.
"Senior Ice" đối đầu với "Senior Peg". Những người này là ai? – độc giả hỏi, và khó có thể coi anh ta là người thiếu hiểu biết.
Chương trình "Máy bay ném bom trên nền tảng công nghệ hiện đại" (Advanced Technology Bomber, ATB), mà kết quả là chiếc máy bay nổi danh B-2 "Spirit" được ra đời với khả năng bí mật của nó, và chỉ cách đây không lâu mới xuất hiện những mảng thông tin đầu tiên.
Ngay thời điểm ban đầu, bất chấp tính bí mật, một cuộc thi đã diễn ra – "Northrop Grumman" giới thiệu dự án dưới tên gọi "Senior Ice", còn đối thủ cạnh tranh đến từ "Lockheed Martin" tung ra chiếc máy bay ném bom "Senior Peg".
Phiên bản ban đầu của chiếc máy bay ném bom tàng hình Senior Peg
Chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2 hiện đại có hình dáng của Senior Ice, nhưng ít góc cạnh hơn. Và nó trông bằng phẳng hơn. "Senior Peg" trông thú vị hơn. Nó thừa kế dự án trước đó của "Lockheed" – máy bay ném bom F-117, nhưng tăng kích cỡ, cộng thêm chiếc đuôi nhỏ xinh.
Những tính năng chi tiết của cả hai phiên bản cho đến nay vẫn được giữ kín, nhưng chúng ta vẫn nắm được chút ít. "Senior Peg" nhỏ hơn đối thủ cạnh tranh (đặc biệt về diện tích), mang được ít bom hơn, nhưng khó bị phát hiện và rẻ hơn.
"Senior Ice" về phần mình sở hữu đầy rẫy những thiết bị điện tử tân tiến, mang theo được nhiều bom và bay xa hơn nhiều đối thủ của mình.
Lần này, đặt cược vào giá thành rẻ hơn đã không mang lại kết quả mong muốn. "Senior Ice" giành chiến thắng.
Những phiên bản ban đầu của chiếc máy bay ném bom tàng hình "Senior Ice", sau này là B-2
Tức giận vì thua cuộc của "Lockheed" lớn tới mức vào năm 1993, lãnh đạo Phòng Nghiên cứu chế tạo tiên tiến "Lockheed Skunk Works" Ben Rich trong cuốn hồi ký đã trực tiếp buộc tội "Northrop" cố tình hạ giá chiếc máy bay của mình, dẫn tới không đủ tiền, và vì vậy B-2 chỉ sản xuất với số lượng ít ỏi.
Sau này các nhân viên của "Northrop" thừa nhận rằng để "Senior Peg" cất cánh bình thường là điều rất khó, và có lẽ sẽ mất nhiều tiền hơn so với "Senior Ice". Và điều này có lẽ sẽ rút ngắn sự khác biệt về giá thành của hai dự án.
Ai đúng ai sai trong cuộc tranh cãi này – chỉ có thời gian và việc giải mật mới chứng tỏ được.
Phiên bản sau này của chiếc máy bay ném bom tàng hình Senior Peg
Hiệp đấu thứ 2
Lịch sử có luôn có thiên hướng lặp lại. Điều đó đã xảy ra cả với cuộc thi máy bay ném bom tàng hình. Vào năm 2009, người ta tuyên bố khởi động chương trình "Máy bay ném bom hoạt động tầm xa" (Long Range Strike Bomber, LRS-B), nhằm thay thế B-2.
Hai đối thủ cạnh tranh không ngừng nghỉ với nhau trong công nghệ tàng hình là "Lockheed Martin" liên kết với "Boeing" và "Northrop Grumman" cùng tham gia. Đáng tiếc, chi tiết về các dự án của họ gần như không có, nhưng vụ bê bối gây tiếng vang tới mức vượt qua cả tầm màn bí mật.
В-21 Raider giành chiến thắng trong cuộc thi Long Range Strike Bomber
Sau khi chương trình "Northrop" được công bố là bên giành chiến thắng vào năm 2015, đối thủ cạnh tranh không giấu diếm sự tức tối của mình. Các lời buộc tội lừa dối, không đáp ứng bất cứ những tiêu chuẩn LRS-B nào và hạ giá thành thiếu cơ sở đã nhằm vào chiếc máy bay B-21.
Giới quân sự bị buộc tội giả mạo kết quả, thiên vị và thậm chí, có thể, nhận tiền lót tay. Đến mức cả "Lockheed" lẫn "Boeing" muốn kiện Không quân Mỹ ra toà. Tuy nhiên sau này họ quyết định rằng cơ hội thắng kiện rất thấp vì các thẩm phán thường hay đứng về phía quân đội.
B-21 cho đến nay vẫn bị buộc tội là nỗ lực một lần nữa bán B-2 cho quân đội, và chương trình cố lắm cũng sẽ có số phận giống "Spirit" hoặc thất bại. Có đúng như thế hay không – hãy chờ xem.
Ngoại hình của dự án Lockheed và Boeing trong khuôn khổ chương trình LRS-B. Trông không khác nhiều so với В-21
Đơn giản có nghĩa là tốt hơn?
Những tình tiết bê bối trong cuộc đời của chiếc tiêm kích F-35 rất nhiều, và chúng ta phải thật lòng mà nói rằng câu chuyện về sự đối đầu của nó với X-32 không phải là ầm ĩ nhất. Nhưng ở đây cũng không ít người tuyên bố rằng sự lựa chọn được đưa ra là không đúng và, nếu như X-32 giành thắng lợi, thì có lẽ tất cả sẽ gặp ít vấn đề hơn.
Và nếu chỉ nhìn vào các con số, các tính năng kỹ thuật-bay của X-35 (sau này là "Lightning II") tốt hơn đối thủ cạnh tranh của nó: và bay nhanh hơn, và khả năng cất cánh theo chiều dọc tốt hơn, và hệ thống điện tử "ngon" hơn.
Ưu điểm của chiếc "Boeing" chỉ có thể là tải trọng hữu ích của các hệ thống treo bên ngoài lớn hơn. Tuy nhiên cũng có một số vấn đề.
X-35 nghiêm túc và X-32 vui vẻ. Không phải tự nhiên vì ngoại hình mà nó bị gọi là "chiếc máy bay đang cười"
Đúng, X-35 hoàn thiện hơn đối thủ cạnh tranh, nhưng phần nhiều – quá cách mạng và phức tạp. Động cơ tiên tiến hơn đã và cho đến nay vẫn đang hút không ít máu của các công ty chế tạo ra nó.
Điều tương tự cũng liên quan tới hệ thống điện tử. Chiếc X-32 đơn giản có lẽ sẽ nhanh chóng được hoàn thiện hơn và được đưa vào sản xuất hàng loạt sau khi đã được bàn giao cho quân đội và xuất khẩu.
Cả những người Anh tham gia nhiều vào chương trình "Tiêm kích tấn công thống nhất" cũng phản đối dự án của "Boeing". Nhưng có thể không cần nghe họ, và thậm chí chẳng cần áp chế họ như Mỹ đã từng làm không ít lần.
F-32 và tải trọng chiến đấu không nhỏ của nó
Nói chung, bất chấp tất cả các vấn đề, F-35 đã được sản xuất với số lượng không hề ít. Từng bước nó được hoàn thiện. Có vẻ giới quân sự Mỹ đã đúng khi lựa chọ chiếc máy bay phức tạp hơn, nhưng có tiềm năng hơn.
Thiết kế sản xuất hàng loạt của F-32 (nguồn: Adam Berch)
Tất nhiên, các cuộc tranh cãi cũng liên quan tới cả những chương trình cũ hơn vào thập niên 70 và 80.
Thỉnh thoảng cũng có những tranh cãi về tính đúng đắn của cuộc thi mà đã chọn ra B-52, nhưng có vẻ nhẹ nhàng hơn những câu chuyện nêu trên. Những dự án thắng thầu đã phục vụ được một thời gian và chứng tỏ rằng chúng được thiết kế và lựa chọn không hề vì những lý do đơn giản.
Còn các cuộc tranh cãi về những chương trình và các máy bay mới cũng như những tính năng của sản phẩm được lựa chọn khó có thể kết thúc một cách đơn giản như vậy. Biết đâu lại có kẻ nào đó "không đúng"?
Comments
Post a Comment