Hôm 25/12, các chiến đấu cơ Israel lại một lần nữa thực hiện vụ không kích vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria , gây ra thiệt hại tương đối nặng nề cho đối phương rồi rút lui an toàn mà không phải gánh chịu bất cứ tổn thất nào dù là nhỏ nhất.
Lực lượng phòng không Syria mặc dù được trang bị nhiều hệ thống tên lửa đất đối không thuộc hàng đỉnh cao của thế giới vào thời điểm hiện tại như Buk-M2E, Pantsir-S1 hay thậm chí cả S-300PM, tuy nhiên hiệu quả mà họ thu được có thể nói là ở mức rất thấp.
Ngoài lý do Quân đội Israel nắm trong tay các phi đội tiêm kích quá tối tân cũng như vũ khí tấn công tầm xa đáng sợ và chiến thuật cực kỳ lợi hại, thì một trong những nguyên nhân giải thích sự thất bại của Syria trong các trận đánh vừa qua chính là thiếu sự phối hợp hiệp đồng giữa phòng không và không quân.
Tiêm kích chiếm ưu thế trên không MiG-29SE của Không quân Syria
Trong tác chiến phòng không, kể cả phía phòng thủ có trong tay những tổ hợp tên lửa tầm xa tối tân nhất đi nữa thì họ cũng luôn ở thế bị động, phải "giơ lưng" hứng chịu đòn đánh của kẻ địch, cho dù hiệu suất tác chiến có tốt đến mấy đi nữa thì cũng khó mà đạt tới con số 100%, tức là khả năng phải chịu thiệt hại gần như là chắc chắn.
Để đạt tới hiệu quả tối ưu, các đơn vị tên lửa đất đối không luôn yêu cầu phải có tiêm kích quân nhà phối hợp tác chiến cùng để tạo thế trận chủ động, làm rối loạn đội hình cũng như ngăn chặn đối phương từ xa.
Nếu trong các phi vụ oanh kích của Không quân Israel mà tiêm kích Syria bay lên tác chiến thì tác dụng đầu tiên đó là khiến máy bay Israel không thể tập trung dẫn bắn cho tên lửa hành trình tầm xa, thậm chí bỏ luôn đạn khi phải dành ưu tiên đối phó với tốp chiến đấu cơ đối phương.
Ngoài ra khi có máy bay nhà lên hỗ trợ, các khẩu đội tên lửa phòng không sẽ giảm bớt được đáng kể số mục tiêu lẽ ra phải giao chiến, dễ dàng xác định rõ hướng xâm nhập của địch, tăng xác suất bắn hạ mục tiêu.
Chất lượng Không quân Syria vào thời điểm hiện tại không được đánh giá cao
Vậy những lý do nào đã khiến Không quân Syria hầu như chỉ hoạt động dưới vai trò yểm trợ hỏa lực cho bộ binh trước phiến quân và gần như bỏ quên chức năng thứ hai khi chưa từng xuất kích đánh chặn tiêm kích Israel?
Nguyên nhân đầu tiên có thể là do sự chênh lệch quá lớn về mức độ hiện đại của phương tiện, khi phía bên kia, Không quân Israel có trong tay các loại tiêm kích hàng đầu thế giới như F-35I Adir, F-15I Ra'am hay F-16I Sufa thì Không quân Syria chỉ còn vỏn vẹn vài chiếc MiG-29 đời đầu hay MiG-23 đã rất cao tuổi, họ sẽ thất bại nhanh chóng khi giao chiến với kẻ địch.
Tuy nhiên kể cả bị áp đảo về số lượng lẫn chất lượng, nếu có chiến thuật hợp lý thì Không quân Syria vẫn hoàn toàn đủ sức gây thiệt hại hay chí ít là làm khó tiêm kích Israel, việc họ phải án binh bất động có lẽ đến từ lý do khác.
Trong các phi vụ tấn công, tiêm kích Israel phần lớn xuất hiện từ phía bên kia biên giới Lebanon, phóng tên lửa rồi nhanh chóng rút về, khi hệ thống radar cảnh báo sớm của Syria nhận diện ra mối đe dọa thì cũng chẳng đủ thời gian để tung máy bay lên đánh chặn.
Còn trong trường hợp Không quân Israel sử dụng tiêm kích tàng hình F-35I Adir bay vào sâu trong lãnh thổ Syria thì việc phát hiện ra chúng có vẻ như vẫn là điều quá sức với Syria. Khi không phát hiện được F-35I xâm nhập thì dĩ nhiên máy bay Syria chẳng còn biết làm gì hơn là nằm đất!
Tiêm kích - bom Su-22M4 của Không quân Syria
Comments
Post a Comment