Giờ đã là năm 2019 và Nga, cũng như Mỹ, đang tiếp tục là những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực công nghệ trên thị trường vũ khí toàn cầu.
Mỗi quốc gia đều có trong tay những quân "át chủ bài" riêng nhưng phải thừa nhận rằng, những cỗ máy hỏa lực khổng lồ của Nga thật sự ấn tượng. Dưới đây là 3 hệ thống trong số đó, theo tờ Russia Beyond:
Tên lửa hạt nhân mới của TT Putin
Giới thiệu hệ thống tên lửa Avangard
Cuối năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân giám sát các cuộc thử nghiệm đạn đạo dành cho mẫu tên lửa liên lục địa mới, gọi là Avangard. Nó dự kiến được đưa vào trang bị của lực lượng tên lửa Nga trong năm nay.
Avangard đã đánh dấu một giai đoạn mới trong lĩnh vực khoa học tên lửa của Nga. Không giống với các mẫu tên lửa tiền nhiệm của Nga và các mẫu nước ngoài, Avangard có thể đạt tới độ cao đáng kinh ngạc và di chuyển với tốc độ siêu vượt âm, qua mặt những chiếc ô phòng thủ tên lửa của đối phương.
Hiện tại, theo Russia Beyond, chưa có loại tên lửa nào trên thế giới đạt được khả năng tương tự.
Avangard có sức công phá lớn hơn 130 lần so với những gì vụ nổ bom nguyên tử Hiroshima tạo ra và nó có thể lao đến mục tiêu với tốc độ khoảng 24.000 km/h.
"Với sự xuất hiện của mẫu tên lửa mới, Nga có thể đảm bảo an toàn cho các vùng biên giới trong nhiều thập kỷ tới" – ông Dmitry Safonov – cựu chuyên gia phân tích quân sự cho tờ Izvestia - nhận định.
Avangard là một phần trong bộ ba hạt nhân của Nga, được chế tạo để ngăn chặn bất cứ kẻ địch tiềm năng nào có ý định tấn công nước Nga.
Hệ thống phòng không S-400 Triumph
Một hệ thống vũ khí khác của Nga đang chiếm ưu thế toàn cầu là tên lửa phòng không S-400 Triumph (NATO định danh là Growler).
S-400 có thể phát hiện mục tiêu đường không trong phạm vi bán kính lên tới 600km và bắn hạ chúng ở cự ly 400km. Dù đó là tên lửa hành trình cơ động cao hay tên lửa đạn đạo liên lục địa, S-400 sẽ phát hiện và phá hủy chúng.
Điểm khác biệt mấu chốt giữa S-400 và MIM-104 Patriot (Mỹ) – đối thủ chính của nó, là S-400 có khả năng phát hiện và bắn hạ mục tiêu từ tất cả các hướng. Hệ thống của Mỹ chỉ có thể quét mục tiêu ở hướng được định sẵn và với góc quét 180 độ.
Ngoài ra, thời gian triển khai phóng của Patriot lên tới 30 phút. Trong khoảng thời gian đó, tên lửa của đối phương đã có thể đánh trúng mục tiêu.
Patriot chỉ có tầm bắn 180km, bằng một nửa so với hệ thống S-400 của Nga. Trong khi đó, tầm bắn lại đóng vai trò quan trọng, không chỉ trong việc đánh chặn tên lửa, mà còn ngăn chặn máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của đối phương.
Về phần mình, S-400 không cho chiến đấu cơ và máy bay ném bom của đối phương có cơ hội oanh tạc trong khu vực mà nó bao quát.
Chính những nhân tố này đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO – lựa chọn hệ thống phòng không của Nga, bất chấp những lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Xe tăng chủ lực thế hệ mới T-14 Armata
Được chế tạo dựa trên khung gầm Armata, xe tăng T-14 đã đánh dấu một cột mốc trong lĩnh vực phát triển công nghệ thiết giáp hạng nặng của Nga thế kỷ 21.
T-14 là xe tăng thế hệ 3 đầu tiên trên thế giới. Nó được trang bị pháo nòng trơn 2A82 125mm (hoặc có thể lắp pháo 2A83 152mm) với hệ thống điều khiển từ xa kỹ thuật số.
Đây là xe tăng duy nhất trên thế giới có tháp pháo tự động – kíp lái được bố trí ngồi trong một khoang tách biệt, được bổ trợ thêm lớp giáp phía trước vô cùng vững chắc. Từ đây, họ có thể điều khiển, kiểm soát toàn bộ chiếc xe và hệ thống của nó. Giải pháp công nghệ này cho phép kíp lái tăng khả năng sống sót ngay cả khi tháp pháo bị bắn trúng.
Bên cạnh đó, lớp giáp của T-14 có thể chống chọi được với đạn chống tăng và tên lửa.
T-14 còn được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động mới, gọi là Afganit, có khả năng phá hủy mục tiêu hoặc vô hiệu hóa chúng. Nó có 4 ăng-ten có thể nhanh chóng phát hiện được đạn pháo của đối phương đang lao tới, sau đó phá hỏng hành trình bay của chúng nhờ sự hỗ trợ của laser, radar và màn khói.
Nếu như quả đạn của đối phương qua mặt được radar và hệ thống laser, thì "tấm khiên" Malakhit của Armata sẽ vào cuộc, phá hủy mục tiêu bay đang tiếp cận chiếc xe tăng.
"Đối thủ của Armata là xe tăng Abrams của Mỹ. Abrams có hệ thống bảo vệ động lực tốt nhưng không có khoang bọc giáp riêng dành cho kíp lái.
Đó là lý do tại sao khi xe tăng bị bắn trúng trực diện bởi đạn pháo phá mảnh, cơ hội sống sót của kíp lái sẽ mong manh hơn" – ông Safonov nói.
Cũng theo ông Safonov, một sự khác biệt đáng kể khác giữa hai mẫu xe tăng này còn nằm ở pháo chính và tốc độ bắn của nó.
"T-14 có khả năng bắn 10 quả đạn/phút, đánh trúng mục tiêu ở cự ly 7 km. Trong khi đó, Abrams chỉ có tốc độ bắn 3 quả đạn/phút, ở cự ly 4.600m. Trong cuộc chiến với phiến quân ở Trung Đông, 2km cách biệt này có thể khiến cục diện hoàn toàn đổi khác" – ông Safonov kết luận.
Comments
Post a Comment