Nín thở chờ sấm sét của tên lửa S-300 Syria...
Điều gì đến đã phải đến! Sau nhiều năm trì hoãn không chuyển 5 tổ hợp tên lửa S-300 cho Syria vì những sức ép quốc tế, đặc biệt là từ Israel và Mỹ, Nga đã chộp được cái cớ "không thể tuyệt vời hơn" để cấp tốc đưa những tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại bậc nhất thế giới này tới bàn giao tận tay cho Damascus.
Tất nhiên, cái cớ ấy không lấy gì làm vui vẻ đối với cả Moscow và Damascus bởi 15 quân nhân Nga đã hy sinh trong sự kiện bi thảm máy bay trinh sát IL-20 bị phòng không Syria bắn nhầm do sập bẫy tinh vi của những chiếc tiêm kích F-16 Không quân Israel vào ngày 17/09/2018.
Việc 3 tổ hợp tên lửa S-300 Nga có mặt ngay lập tức ở Syria hồi đầu tháng 10/2019 vừa để Moscow thực hiện cam kết bảo vệ đồng minh Damascus, vừa giúp tăng cường lực lượng phòng không cho Syria.
Đồng thời, cả hai bên đều tính kỹ các phương án tác chiến nhằm tránh khả năng xảy ra những thảm họa tương tự như vụ IL-20 do các tổ hợp tên lửa này được chỉ huy tự động, đồng bộ và kết nối với các tổ hợp phòng không Nga đang triển khai ở quốc gia Trung Đông này.
Nếu 18 xe bệ phóng tự hành với 72 quả đạn trong ống bảo quản kiêm ống phóng của 3 tổ hợp S-300 đồng thời khai hỏa, chắc chắn những kẻ liều lĩnh tấn công Syria sẽ phải trả giá đắt.
Kể từ đầu tháng 1/2019, tức là 3 tháng huấn luyện chuyển loại tên lửa S-300 cho các kíp chiến đấu phòng không Syria kết thúc, theo như Bộ trưởng BQP Nga Sergey Shoigu thì cả Trung Đông và giới quan sát quân sự quốc tế đã bắt đầu nín thở lo cho số phạn của các chiến đấu cơ Israel.
Tiêm kích F-16 Israel được cho là đóng vai trò chủ chốt trong đợt tấn công ồ ạt hôm qua.
... nhưng 72 quả tên lửa S-300 vẫn "mất tích" trong các cuộc tấn công của Israel
Tưởng chừng như lời ông Shoigu sẽ sớm thành hiện thực khi các tổ hợp S-300 mà Moscow chuyển giao cho Damascus đi vào trực sẵn sàng chiến đấu, nhưng không, thời hạn huấn luyện cứ một lần lại một lần kéo dài mãi ra.
Tờ Kommersant (Nga) dựa trên nguồn tin riêng của mình ước tính phải tới đầu tháng 3/2019 thì quá trình huấn luyện chuyển loại tên lửa S-300 cho Syria mới kết thúc, khi đó thì các tổ hợp này sẽ bắt đầu đi vào trực chiến.
Tuy nhiên, hiện giờ đã sắp sang tháng 4 mà các tên lửa S-300 Syria vẫn "biệt tăm biệt tích", đặc biệt là trong trận tấn công của Không quân Israel vào Aleppo - thành phố và là trung tâm công nghiệp lớn thứ 2 của Syria đêm 27, rạng 28/3, các lực lượng phòng không tại khu vực này có hiệu suất chiến đấu rất kém, để lọt nhiều tên lửa và bom thông minh của đối phương.
Hậu quả là lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ Iran đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề cả về người (ít nhất 7 người thiệt mạng, không rõ số bị thương) và vũ khí trang bị cũng như hậu cần.
Tuy nhieen, theo một số thông kê chưa kiểm chứng và chưa được Iran hay Syria xác nhận thì đợt tấn công của Israel đã khiến Iran còn thiệt hại nặng hơn thế nhiều.
Cụ thể, 4 kho vũ khí của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ở Jibrin & Sheikh Najjar, ngoại ô Aleppo; 1 kho vũ khí ở sân bay Aleppo; 1 đoàn xe trên đường Hanzer bị phá hủy hoặc làm hư hại nặng.
Ảnh vệ tinh của iSi chụp đánh giá kết quả trận đánh phá của Israel vào một sân bay ở Aleppo, Syria nơi được cho là căn cứ của các lực lượng Iran vào tháng 7/2018. Ảnh: ImageSat International ISI.
Ngoài ra căn cứ không quân Nayrab của Syria cũng bị trúng đạn Israel, đồng thời các báo cáo từ căn cứ T4 cho thấy lực lượng IRGC thiệt hại nặng với 25 binh sĩ thiệt mạng.
Việc tên lửa S-300 Syria vẫn chưa khai hỏa mà vẫn chỉ là những loại tên lửa cũ (S-125, S-200, Kub) hoặc mới (Buk-M2E, Pantsir-S1, Pechora-2M) nhưng đã có trong biên chế từ lâu nai lưng chiến đấu khiến giới quan sát đặt ra nghi vấn: Phải chăng lính phòng không Syria quá kém, tiếp thu chậm nên chưa thể làm chủ được S-300 hiện đại?
Theo một số nguồn tin thì từ vài năm trước khi Moscow chuyển giao S-300 thì đã có nhiều kíp chiến đấu Syria được đào tạo tại Nga nhằm sử dụng tên lửa mà họ mua theo hợp đồng (5 tổ hợp) bằng tiền tươi thóc thật.
Nay khi có tên lửa S-300 về (có hơi khác một chút là phiên bản nội địa mà Nga lấy trực tiếp từ các đơn vị chiến đấu cấp tốc chuyển sang Syria), thì những kíp chiến đấu đã được đào tạo ấy (cho dù có rơi rớt, thất lạc không hội tụ đủ) sẽ là nòng cốt giúp phòng không Syria nhanh chóng tiếp thu làm chủ khí tài mới.
Nhưng thật đáng tiếc, đến nay, đã sắp tròn 6 tháng kể từ khi S-300 đặt chân tới Syria, các kíp chiến đấu thậm chí còn chưa bắn đạn thật quả nào để đánh giá trình độ. Chừng nào bài test đặc biệt quan trọng này mà họ còn chưa vượt qua được thì chừng đó đừng mong khai hỏa.
Chính vì thế, trong đợt tấn công mới nhất vừa qua của Không quân Israel vào Aleppo, tên lửa S-300 Syria vẫn "mất tích". 72 quả đạn S-300 kia vẫn im lìm, trú tránh ở đâu đó.
Tất nhiên, phòng không Syria có lý khi chưa chắc chắn thì sẽ không khai hỏa S-300. Nhưng liệu Iran có hiểu và thông cảm cho họ hay là sốt ruột trước những thiệt hại cả về xương máu lẫn vật chất để tự đưa tên lửa phòng không tự chế (khá giống với S-300 Nga) tới Syria để trực tiếp bảo vệ lực lượng của mình như một số đồn thổi gần đây?
Tên lửa S-300 được chuyển giao cho Syria.
Comments
Post a Comment