Nga hồi sinh Su-30 (Su-27PU)
Một bức ảnh mới vừa được công bố trên trang tin vk.com cho thấy Nhà máy Sửa chữa máy bay số 275 ở Krasnodar (thành viên của Công ty Sukhoi thuộc Tập đoàn Chế tạo máy bay Thống nhất Nga - UAC) đã hoàn thành việc đại tu và sửa chữa 1 chiếc tiêm kích Su-30 đời đầu (hay còn gọi là Su-27PU) 2 chỗ ngồi.
Chiếc máy bay này đã được bàn giao cho Không quân Nga sử dụng và mang số hiệu mạn (bên hông, gần mũi máy bay) hay còn gọi là số hiệu chiến đấu "68 Đỏ" (số đăng ký RF-92223 và số serial 03-03).
Theo đó, quá trình hồi phục 5 chiếc Su-30 (Su-27PU) sản xuất trong giai đoạn từ đầu tới giữa những năm 1990 đã được tiến hành gấp rút sau nhiều năm dừng hoạt động.
Được biết dòng Su-27PU (mẫu T-10PU) bắt đầu được phát triển để trang bị cho các đơn vị không quân tiêm kích của Lực lượng phòng không Liên Xô trong những năm 1980 dựa trên cơ sở dòng tiêm kích Su-27UB huấn luyện 2 chỗ ngồi.
Theo thiết kế của Sukhoi, Su-27PU (Су-27ПУ) là máy bay chỉ huy biên đội tiêm kích phòng không kiêm phục vụ huấn luyện chiến đấu và tuần phòng chiến đấu tầm xa có mã thiết kế T-10PU.
Tiêm kích Su-30 (Su-27PU) mang số hiệu "68 Đỏ" vừa trở lại bầu trời.
Đồng thời trên mẫu thiết kế này, Sukhoi cũng dự kiến tích hợp các tính năng chiến đấu và hệ thống vũ khí khí tài đối đất có điều khiển chính xác nhưng không đòi hỏi phải thiết kế lại toàn bộ khung thân máy bay như đề án Su-27IB (sau này là Su-34).
Sau khi Phòng Thiết kế thử nghiệm Sukhoi đề xuất và được Bộ quốc phòng Nga chấp thuận trong tháng 4/1992, máy bay tiêm kích thuộc đề án T-10PU(Su-27PU) đã chính thức có mã trang bị Su-30.
Hai chiếc máy bay mẫu đầu tiên T-10PU-5 và T-10PU-6 (số mạn 05 và 06 "Xanh") đã được hoán chuyển trong năm 1987-1988 từ các mẫu T-10U-5 và T-10U-6.
Sau khi thử nghiệm thành công, việc sản xuất hàng loạt Su-27PU (sau đó mang tên chính thức Su-30) dành cho PK-KQ Liên Xô theo đặt hàng của Bộ Công nghiệp Hàng không Liên Xô vào ngày 13/02/1991, đã được tổ chức bắt đầu từ năm 1992 tại Nhà máy chế tạo hàng không Irkutsk (IAP).
Tuy vậy, trên thực tế, việc lắp ráp loạt đầu tiên gồm 10 chiếc tiêm kích Su-30 (Su-27PU) đã được tiến hành tại IAP từ năm 1991, theo đó 3 chiếc đầu tiên (số serial 01-01, 0-02 và 02-01) đã được chế tạo trong năm 1992-1993 để phục vụ công tác nghiên cứu của Văn phòng thiết kế Sukhoi (2 chiếc trong số đó sau này đã phát triển thành mẫu Su-30K và Su-30I).
Tiêm kích Su-30K khi còn trong biên chế Không quân Ấn Độ.
Chỉ có tổng cộng thêm 5 chiếc máy bay loại này được sản xuất hoàn chỉnh và bàn giao cho Bộ Quốc phòng Nga trong giai đoạn 1994-1996 (số serial 02-02, 02-03, 03-01, 03-03 và 03-04, với số hiệu chiến đấu từ 50 tới 54 "Xanh").
Một máy bay khác (số serial 03-02) đã được hoàn thành vào năm 1999 cho Sukhoi như là mẫu thử của dòng tiêm kích Su-30KN phục vụ xuất khẩu.
Su-27PU của Không quân Việt Nam mang số hiệu 8526. Ảnh: Báo PK-KQ.
Toàn bộ 5 chiếc Su-30 (Su-27PU) hoàn thành theo đơn hàng của quân đội Nga bàn giao năm 1994-1996 và được biên chế vào Trung đoàn Không quân tiêm kích cận vệ số 58 thuộc Trung tâm thực hành chiến đấu và huấn luyện chuyển loại số 148 ở căn cứ sân bay Savasleyka (vùng Nizhny Novgorod).
Sau khi Trung đoàn bị giải thể vào năm 2002, toàn bộ 5 máy bay tiêm kích kể trên được chuyển thuộc biên chế Trung tâm Thử nghiệm và huấn luyện hàng không của Bộ quốc phòng Nga ở Lipetsk.
Khi về đơn vị mới, 4 chiếc Su-30 được nhận số hiệu chiến đấu từ 66 tới 69 "Đỏ", và chiếc còn lại với số serial 03-04 (số mạn "51 Xanh" trước đó) đã ở trong tình trạng không thể bay được do thiếu phụ tùng từ năm 1998.
Tại Lipetsk, các máy bay Su-30 này là một phần thuộc Đội bay biểu diễn Chim ưng (Falcons) của Nga, chúng đã được sơn lại cho phù hợp với hoạt động bay trình diễn cho dù rất ít được sử dụng.
Các máy bay mang số mạn 67 và 68 đã bị dừng bay từ năm 2006, còn chiếc số 66 dừng bay vào năm 2011, chỉ còn chiếc số 69 (số serial 02-03, số hiệu chiến đấu "54 Xanh" cũ) là còn bay tới tận năm 2015 thì mới nghỉ.
Dường như việc sớm phải nằm sân của những chiếc máy bay được chế tạo loạt nhỏ lại trong "giai đoạn khủng hoảng" sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ là hoàn toàn có thể dự đoán trước được. Tuy nhiên, vào năm 2016, thật bất ngờ là Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định "hồi sinh" toàn bộ 5 chiếc máy bay tiêm kích Su-30 đời đầu (Su-27PU) này.
Tiếp đó, từ cuối năm 2016 cho tới đầu năm 2017, cả 5 máy bay này đã được chuyển tới Nhà máy sửa chữa hàng không 275 ở Krasnodar.
Hiện nay công tác đại tu, sửa chữa chiếc đầu tiên trong số chúng (mang số mạn "68 Đỏ", số đăng ký RF-92223, số serial 03-03, số mạn "50 Xanh" cũ) đã được hoàn thành. Tuy nhiên, theo một số người am hiểu thì dường như chiếc tiêm kích Su-30 này hầu như không được hiện đại hóa gì nhiều.
Đồng thời, nhiều khả năng toàn bộ 5 chiếc Su-30 (Su-27PU) này sau khi hoàn thành đại tu, sửa chữa sẽ tiếp tục phục vụ trong Trung tâm huấn luyện quốc gia số 4 đóng tại Lipetsk
Việc đưa những máy bay này trở lại hoạt động là một chỉ dấu cho thấy sự thiếu hụt trầm trọng máy bay tiêm kích huấn luyện của Không quân Vũ trụ Nga, bao gồm cả Trung tâm Lipetsk. Đây không phải sự tình cờ khi mà có nhiều tiêm kích Su-27UB huấn luyện 2 chỗ ngồi cũng đang được gấp rút sửa chữa trong thời gian gần đây.
Việt Nam cũng tự chủ tăng hạn sử dụng cho Su-30 (Su-27PU)
Được biết, sau khi chuyến bay bàn giao 2 chiếc tiêm kích Su-27UB theo hợp đồng cho Không quân Việt Nam gặp sự cố, trên cơ sở số tiền được bảo hiểm, các bạn Nga đã "đền" cho Việt Nam 2 chiếc Su-27PU (Su-30 đời đầu) để thay thế. Các máy bay này mang số hiệu 8526 và 8527.
Su-27PU của Không quân Việt Nam mang số hiệu 8526. ẢNh: QĐND.
Truyền hình Quốc phòng Việt Nam cho biết, năm 2015, chiếc Su-27PU số hiệu 8526 của Không quân Việt Nam được đưa vào sửa chữa lớn và đại tu, tăng hạn sử dụng tại Nhà máy A-32, sau hơn 1 năm chiếc tiêm kích này đã trở lại trực chiến.
Không rõ thông tin chi tiết về vũ khí trang bị cũng như hệ thống điện tử hàng không, radar trên những chiếc Su-27PU của Việt Nam và nhìn bề ngoài chúng không khác gì những máy bay tiêm kích Su-27UB huấn luyện 2 chỗ ngồi.
Tuy vậy, theo Công ty Sukhoi, về hình thức, Su-27PU (bản chế thử 05), Su-30 nội địa (trang bị cho Viện thử nghiệm bay Gromov, Trung tâm thực hành chiến đấu và huấn luyện chuyển loại số 148, Trung đoàn không quân tiêm kích cận vệ số 54) và Su-30K hoàn toàn giống nhau về hình thức và nhiệm vụ.
Các máy bay này đều được phát triển từ thiết kế Su-27UB (bánh đơn càng trước, chụp ăng ten vô tuyến trên đuôi đứng dạng vát), nhưng có thêm cần tiếp dầu, đèn pha chiếu cần, bố trí lại thứ tự cặp ống không tốc và đo nhiệt bên mạn trái máy bay (so với thứ tự trên Su-27UB).
Sự khác nhau giữa Su-30K với Su-27PU/30 nội địa là ở khí tài ngắm bắn và dẫn đường: Su-30K được trang bị tổ hợp ngắm bắn BARS N-011 Mk1/OLS-30, còn Su-27PU/30 được trang bị tổ hợp ngắm bắn SUV-27.
Cùng là cấu hình tiêm kích phòng không, nhưng Su-30K có tính năng khí tài tiên tiến hơn so với Su-27PU/30 nội địa của Nga.
Comments
Post a Comment