Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Lebanon Elias Bou Saab bất ngờ ra tuyên bố thề rằng Beirut sẽ "ăn miếng trả miếng" các hành động quân sự của Tel Aviv.
Tuyên bố này ngay lập tức thu hút sự chú ý lớn của giới truyền thông, bởi bấy lâu nay Li-băng hầu như không có bất kỳ động thái nào phản ứng với hành động "ngang ngược" của Israel như việc tự tiện dùng bầu trời của họ.
Tự tiện ra vào không phận Li-băng "như đi chợ"!
Đúng vậy, kể từ khi Israel chính thức tiến hành các chiến dịch không kích những mục tiêu mà họ cho là căn cứ hay kho vũ khí Iran trên đất Syria, tần suất máy bay chiến đấu Israel xâm phạm không phận Li-băng tăng vọt, nhiều "như cơm bữa".
Hầu như không tháng nào kể từ năm 2015 tới nay mà máy bay Israel không dùng không phận Li-băng trinh sát lãnh thổ Syria hay thực hiện các cuộc không kích từ bầu trời Li-băng.
Mới đây nhất, hôm 25/4, theo mạng Almasdarnews, máy bay Israel đã đi vào miền Nam Li-băng trong đêm và di chuyển tới khu vực Jabal Sheikh gần biên giới Syria.
Theo nguồn tin quân sự ở Damascus, lực lượng phòng không Syria đã được đặt trong tình trạng báo động cao vì máy bay Israel thường dùng đường bay này để ném bom các mục tiêu ở Homs và Damascus.
Chưa từng có thỏa thuận nào giữa Beirut và Tel Aviv về việc Không quân Israel được phép tự tiện ra vào không thèm "chào hỏi, thưa gửi" ai. Thế nhưng, nhiều năm nay Israel mặc sức làm điều này, còn Beirut thì im lặng một cách khó hiểu.
Việc máy bay Israel đi vào không phận Lebanon là chuyện thường ngày.
Thế nên việc Bộ trưởng Quốc phòng Li-băng Elias Bou Saab ra tuyên bố "đanh thép" nhất trong nhiệm kỳ của ông này dĩ nhiên gây sự chú ý rất lớn.
"Nếu Israel bắn phá sân bay của Li-băng, chúng tôi sẽ bắn phá sân bay của họ. Nếu họ tấn công các cơ sở dầu mỏ của chúng ta, chúng ta sẽ tấn công các cơ sở dầu mỏ của họ", ông Elias Bou Saab nói trong chuyến công du miền Nam Lebanon.
Tất nhiên tuyên bố này được đưa ra không chỉ vì vấn đề Israel dùng bầu trời Li-băng làm "bàn đạp" tấn công Syria, mà là liên quan trực tiếp tới tình hình căng thẳng ở miền Nam.
Năm 2006, Israel đã tuyên chiến với phòng trào Hezbollah và phát động một cuộc tấn công xâm lược miền nam Li-băng. Dù vậy Tel Aviv chưa bao giờ tuyên chiến với Beirut.
Trong cuộc chiến năm 2006, Israel đã tấn công cơ sở hạ tầng dân sự của Lebanon, bao gồm Sân bay quốc tế Rafic Hariri ở Beirut, đường cao tốc xuyên Lebanon và Nhà máy điện Jiyeh dẫn đến việc hàng chục nghìn tấn dầu rò rỉ ra biển Địa Trung Hải.
Dẫu vậy, tuyên bố là một chuyện còn đánh được hay không là chuyện khác, ở trường hợp ở Lebanon, việc tiến hành không kích sân bay Bel Gurion là điều không thể, dù muốn và quyết tâm cao đi chăng nữa.
Lấy gì để đánh?
Thật vậy, nhìn lại Lực lượng Vũ trang Li-băng, với 72.000 quân thường trực thì ngay cả việc đảm bảo an ninh đất nước cũng đã là chật vật.
Về trang bị vũ khí của Li-băng không quá tệ nhưng không có thứ gì đủ sức răn đe đối phương, mà ở đây là Israel.
Chiến đấu cơ tốt nhất của Li-băng là máy bay động cơ cánh quạt.
Ví dụ, nếu tiến hành chiến dịch tấn công trả đũa vào sân bay Ben Gurion, Li-băng chỉ có thể sử dụng không quân. Tệ hại thay, các loại máy bay chiến đấu chủ lực mà Mỹ cung cấp cho Li-băng khó lòng có thể làm nên điều kỳ diệu trước hệ thống phòng không Israel.
Không quân Li-băng hiện được trang bị hai máy bay chiến đấu chủ lực gồm: 3 chiếc Cessna AC-208 và 3 chiếc Embraer EMB 314.
Trong đó AC-208 vốn là phiên bản cải tiến từ máy bay chở khách hạng nhẹ Cessna 208 mang tên lửa chống tăng Hellfire.
Chúng phù hợp với nhiệm vụ tiễu trừ phiến quân hơn là chống lại lực lượng quân sự chuyên nghiệp.
EMB 314 cũng chẳng khá hơn là bao, đây vốn là máy bay chiến đấu động cơ cánh quạt do Brazil sản xuất.
Tuy có thể mang được tên lửa không đối không, tên lửa đối đất, bom thông minh, nhưng với tốc độ bay chậm, khả năng cơ động thấp, nó không thể là đối thủ với phòng không - không quân Israel.
Đấy là hai "quân bài" quý nhất của Không quân Li-băng hiện tại. Phải nói là chỉ có điều kỳ diệu máy bay Li-băng mới qua mặt được Quân đội Israel. Đó có lẽ chỉ là "giấc mơ không bao giờ có thật", Israel luôn cảnh giác cao độ, rất khó để may mắn tạo nên kỳ tích.
Với lục quân Li-băng thì lại càng không, tuy trang bị xe tăng - thiết giáp của họ cũng là tương đối tốt, nhưng đánh sâu vào lãnh thổ Israel thì không khác nào tự sát.
Bấy lâu nay, cách mà các tổ chức vũ trang Hồi giáo khiến Israel phải hú còi báo động đa phần là dùng rocket, tên lửa đối đất tầm xa. Đáng tiếc là Quân đội Li-băng không có thứ vũ khí này!
Có chăng Hezbollah làm được!
Quân đội Li-băng không có nhưng Hezbollah thì có! Ngược lại với quan hệ hợp tác của Beirut thiên về Mỹ và phương Tây, Tổ chức Chính trị - Vũ trang Hezbollah có quan hệ mật thiết với Iran - Syria.
Qua đó, theo giới phân tích, họ có trong trang bị hàng nghìn quả rocket đủ chủng loại từ tầm bắn 10km tới 100-200km đủ sức vươn tới các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Israel.
Rocket hạng nặng do Iran sản xuất.
Ví dụ, Hezbollah được cho là sở hữu số lượng lớn rocket hạng nặng cỡ 355mm Nazeat 6 của Iran đạt tầm bắn 100-1230km; Nazetat 10 cỡ 450mm đạt tầm 125km; Zelzal-1 cỡ 610mm đạt tầm 100-125km. Thậm chí là loại Zelzal-2 đạt tầm bắn cực đại 400km.
Ngoài ra, Hezbollah còn có trong tay số lượng không thể xác định tên lửa đạn đạo Scud của Liên Xô (cũ) hoặc kiểu Hỏa Tinh 7 của Triều Tiên.
Loại tên lửa được cho là do Syria cung cấp năm 2010 có tầm bắn 700km, trang bị đầu đạn thông thường nặng 500kg.
Tất nhiên, không cần nói, nếu xung đột xảy ra ở miền Nam Li-băng, tự khắc Hezbollah sẽ chống trả bằng tên lửa và rocket.
Còn với Quân đội Li-băng, tuyên bố "vùng lên tấn công sân bay Israel" chỉ như nói cho "sang mồm" mà thôi.
Có rất ít khả năng Quân đội Li-băng sẽ làm gì đó khi mà họ không đủ khả năng cả về lực lượng lẫn trang bị.
Phải nói một cách thẳng thắn rằng không dễ gì để Mỹ và phương Tây đồng ý cho Li-băng sử dụng vũ khí của họ chống lại Israel - đồng minh thân cận của Washington.
Đó là lý do khiến trang bị cần thiết để thực hiện tấn công vượt ra ngoài lãnh thổ Li-băng không được các nước phương Tây cung cấp. Mua vũ khí Nga cũng là một giải pháp, nhưng mọi thứ còn phụ thuộc vào các ông nghị!
Video lực lượng tác chiến đặc biệt của Quân đội Lebanon.
Comments
Post a Comment