Bắc Kinh sẽ mua Su-57 nhưng chỉ để "tháo tung" ra và nghiên cứu
"Bắc Kinh có thể mua các Máy bay chiến đấu tàng hình chiếm ưu thế trên không thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga, tuy nhiên hoàn toàn việc mua sắm không phải vì mục đích quân sự".
Đây là thông tin từ trang tin điện tử Global Times căn cứ vào ý kiến của các chuyên gia Trung Quốc. Trong bài viết, tác giả cho rằng Bắc Kinh quan tâm tới chiếc máy bay quân sự của Nga chỉ theo "phương diện kỹ thuật".
Tư vấn viên Sue Quangyu đến từ Hiệp hội kiểm soát vũ khí của Trung Quốc cho rằng:
"Trung Quốc có thể mua máy bay tiêm kích Su-57 của Nga, nhưng chỉ để phục vụ cho việc nghiên cứu của các kỹ sư thiết kế quân sự".
Kỹ sư trưởng của Shenyang Aircraft Corporation, ông Van Yuncin cho rằng: "Bắc Kinh đã có các máy bay tàng hình J-20 của mình và không cần tới Su-57 của Nga".
Theo ý kiến của chuyên gia này, máy bay tàng hình của Nga sẽ khó có thể tích hợp vào các hệ thống vũ khí hiện có của Trung Quốc.
Su-57 thuộc các tiêm kích thế hệ thứ 5 của Nga. Nó có nhiệm vụ tiêu diệt các loại mục tiêu - trên không, trên mặt đất và trên mặt nước.
Những thảo luận về tương lai của Su-57 nằm trong tay người Trung Quốc bắt đầu nổ ra sau khi Giám đốc hợp tác quốc tế và chính sách khu vực của Tập đoàn "Rostech" (Nga), ông Victor Kladov tuyên bố giấy tờ cần thiết để xuất khẩu máy bay gần như đã hoàn tất.
"Trung Quốc mới tiếp nhận cách đây không lâu lô 24 máy bay Su-35. Trong vòng 2 năm tới sẽ quyết định mua thêm các máy bay Su-35 mà được phối hợp sản xuất cùng Trung Quốc, hoặc sẽ tiêm kích thế hệ thứ năm. Đó có thể trở thành một cơ hội nữa dành cho Su-57E".
Theo lời của ông, Chính phủ Nga đã nhận được tất cả các giấy tờ cần thiết để cấp phép xuất khẩu Su-57 này. Tổng thống Nga Vladimir Putin là người phê duyệt cuối cùng.
Máy bay tàng hình chiến đấu ưu thế trên không J-20 do Trung Quốc sản xuất.
Su-57 có thực sự "tốt" như lời của ông Putin?
Bản thân Tổng thống Nga Putin giữa tháng 3/2019 đã tuyên bố về Su-57: "Nó (Su-57) là máy bay tốt nhất của chúng ta hiện nay. Xét trên tất cả những chỉ số kỹ-chiến thuật và về vũ khí trang bị".
Hồi tháng 1, các tính năng của chiếc tiêm kích tàng hình được tạp chí The National Interest của Mỹ tiến hành đánh giá.
Trong bài viết của tạp chí có nêu ra một điểm bất lợi khi cho rằng lớp phủ tàng hình của buồng lái trên các máy bay tiêm kích tối tân Su-57 và máy bay ném bom mang tên lửa Tu-160 đã được ứng dụng trên những máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ từ thập niên 80.
Tạp chí đã dùng cách này để công kích bình luận của "Rostech" trên truyền thông về việc người Nga coi đây là công nghệ mới.
Tập đoàn này cho biết rằng, vật liệu mới cho các buồng lái máy bay "làm tăng hấp thụ sóng radar lên gấp 2 lần và giảm khả năng bị sóng radar phát hiện của buồng lái xuống 30%".
Lớp phủ này được làm từ oxit kim loại. Tuy nhiên, theo The National Interest, loại Indium Tin Oxide (ITO) này đã được công ty Lockheed Martin ứng dụng hơn 30 năm trước.
Tạp chí của Mỹ còn nhấn mạnh rằng công nghệ được "Rostech" mô tả không hề mới, nhiều tiêm kích trên thế giới được phủ lớp oxit kim loại này để giúp giảm khả năng bị radar định vị phát hiện.
Tạp chí cũng tiến hành so sánh chiếc Su-57 của Nga và chiếc J-20 của Trung Quốc.
Theo thông tin của tòa soạn The National Interest, Su-57 của Nga có khả năng bay lượn tốt hơn, bất chấp nó chỉ được trang bị động cơ AL-41F1 giai đoạn 1. Trong khi đó, J-20 của Trung Quốc cũng thua kém Su-57 về các tính năng tốc độ.
Nhưng tiêm kích của Trung Quốc có khả năng tàng hình tốt hơn so với máy bay của Nga. Khi chế tạo nó, Trung Quốc đã sử dụng công nghệ tàng hình tương tự như trên những máy bay tiêm kích F-35 của Mỹ.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, Nga không chú trọng vào khả năng tàng hình khi nghiên cứu chế tạo Su-57. Thực ra, Su-57 và J-20 ban đầu được chế tạo cho việc thực hiện các nhiệm vụ khác nhau.
Tiêm kích Su-57 thế hệ thứ 5 được nghiên cứu chế tạo trong khuôn khổ chương trình "Tổ hợp không quân tiền phương tương lai" và lần đầu tiên nó cất cánh vào năm 2010. Vào tháng 8/2017 nó mới chính thức được đặt tên sản xuất hàng loạt là Su-57.
Công tác thử nghiệm-thiết kế Su-57 sẽ phải hoàn tất trong năm 2019, dự kiến khi đó cũng sẽ bắt đầu quá trình bàn giao 12 chiếc máy bay đầu tiên cho lực lượng không quân-vũ trụ Nga.
Tiêm kích được sản xuất trên cơ sở công nghệ tàng hình có thể bay với vận tốc hành tiến siêu thanh, cũng như sẽ được trang bị các thiết bị chiến tranh điện tử tối tân nhất.
Su-57 của Nga trình diễn bay ở độ cao thấp.
Comments
Post a Comment