Tốc độ và khả năng tàng hình "song kiếm hợp bích" trên F-22 Raptor
Lockheed Martin F-22 Raptor ("Chim ăn thịt") là máy bay tiêm kích chiến thuật tàng hình, một phi công, hai động cơ thuộc thế hệ thứ năm, được phát triển cho Không quân Mỹ để thay thế các dòng F-15 Eagle và F-16 Fighting Falcon.
Là sản phẩm của chương trình phát triển máy bay chiến thuật tiên tiến (ATF), F-22 do hai nhà thầu Lockheed Martin và Boeing chế tạo nhằm chiếm ưu thế tuyệt đối trên không, nhưng cũng có khả năng tấn công mặt đất, tác chiến điện tử và tích hợp trí tuệ nhân tạo; năng lực không chiến ngoài tầm nhìn biến nó thành siêu chiến đấu cơ không có đối thủ.
Hai F-22A bay huấn luyện. Ảnh: wikipedia.org.
F-22 Raptor dài 18,9m, cao 5,10m, có sải cánh 13,6m, trọng lượng rỗng 19,7 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 38 tấn; sở hữu diện tích phản xạ radar (RCS) cực nhỏ (chỉ vào khoảng 0,0001m2 - tương đương đồng xu, thậm chí viên bi; để so sánh: RSC của Su-57 lên tới 0,5m2 và F-35 là 0,001m2).
F-22 có thể kết hợp khả năng tàng hình và tốc độ bay siêu âm, vận tốc hành trình ở mức Mach 1.8 (hơn 2.200km/h), có độ bền cơ học khá cao.
Ngoài EF-2000 của Châu Âu, chưa có loại máy bay nào khác làm được điều này kể cả F-35 và Su-57.
F-22 Raptor chính thức có trong biên chế Không quân Mỹ từ năm 2005, lần đầu tiên tham gia nhiệm vụ phá hủy bộ chỉ huy của quân khủng bố IS năm 2015, là một trong hai mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 duy nhất trên thế giới đã đi vào biên chế và thực chiến.
F-22 là một cấu phần quan trọng tạo sức mạnh Không quân chiến thuật Mỹ nhờ kết hợp giữa khả năng tàng hình, độ cơ động cao, tích hợp nhiều thiết bị điện tử tinh vi và hệ thống vũ khí đầy uy lực.
Trước khi dây chuyền sản xuất F-22 ngừng hoạt động, đã có tổng cộng 187 chiến đấu cơ loại này được xuất xưởng, tuy nhiên hiện chỉ còn 183 chiếc đang trực chiến.
Không quân Mỹ từng tự tin rằng, 1 chiếc F-22 đủ sức tiêu diệt tới 10 chiếc Su-30 trong không chiến, cho nên con số sản xuất chỉ cần yêu cầu tới 187 máy bay là đủ.
Với việc ngân sách quốc phòng dự kiến gia tăng dưới thời Trump, hiện đang có một số đề xuất từ các nghị sĩ Mỹ về tái sản xuất F-22 để duy trì ưu thế tuyệt đối trên không trước các đối thủ.
Radar AN/APG-77v1 trên F-22.
"Chiến thần" F-22 - hy vọng duy nhất giúp Mỹ giữ ưu thế trên không
F-22 được trang bị hệ thống radar mảng pha cực mạnh AN/APG-77v1 có khả năng phát hiện mục tiêu cỡ 1m2 ở khoảng cách 240km, phi công chỉ việc ấn nút khai hỏa tên lửa AIM-120D có tầm bắn lên tới 180km để tiêu diệt mục tiêu khi đối thủ còn chưa nhận ra sự hiện diện của nó trong khu vực.
Ngoài pháo 6 nòng M61A2, F-22 Raptor có ba khoang vũ khí nằm trong thân và các giá treo bên ngoài. Để không chiến, F-22 sẽ mang theo 6 tên lửa AIM-120C AMRAAM tầm bắn 120km và hai tên lửa AIM-9 Sidewinder.
Để tấn công mặt đất, F-22 mang theo 3 bom thông minh GBU-32 JDAM loại 204kg hoặc 3 bom GBU-30 JDAM loại 454kg cùng một số nhỏ tên lửa không đối không. Với nhiệm vụ tuần tiễu, F-22 chỉ mang theo bốn thùng dầu phụ và 8 tên lửa tầm ngắn AIM-9.
Khoang vũ khí của F-22.
Radar và các cảm biến được nâng cấp giúp F-22 có được những thông tin giá trị về mục tiêu và chia sẻ với các chiến đấu cơ khác như F-15 Strike Eagle.
Trong tương lai, F-22 có thể sẽ trở thành "đối tác" hỗ trợ cho tiêm kích thế hệ thứ sáu - PCA, tương tự sự phối hợp hiện nay giữa tiêm kích thế hệ thứ tư và thứ năm.
Theo thông số thiết kế, F-22 có tầm bay 3.200km, trần bay 18km, tuổi thọ khoảng 8.000 giờ bay (dòng máy bay Sukhoi của Nga thông thường chỉ có tuổi thọ bay khoảng 2.000 - 4.000 giờ) trước khi phải đại tu nâng cấp giữa vòng đời, tuy nhiên, trong thực tế, tuổi thọ của chiến đấu cơ này có thể đạt đến 15.000 giờ bay mà không cần nâng cấp sửa chữa - điều chưa máy bay chiến đấu nào trước đó có được.
Tháng 4/2006, Văn phòng kiểm toán Mỹ ước tính, chi phí toàn bộ cho mỗi chiếc F-22 Raptor là 361 triệu USD.
Là tiêm kích đắt nhất thế giới nhưng nó chưa một lần tham gia các chiến dịch quân sự lớn của Mỹ và chỉ có một vài lần rời khỏi lãnh thổ Mỹ để không kích phiến quân Hồi giáo IS ở Iraq và thực chiến ở Syria.
Sử dụng chiến đấu cơ tối tân nhất để oanh tạc một tổ chức khủng bố ít khả năng phòng không, chính phủ Mỹ đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích "dùng dao mổ trâu để giết gà" vì chiến đấu cơ F-15E hay các máy bay ném bom chuyên dụng như B-1 là quá đủ để tấn công phiến quân Hồi giáo IS.
Trên lý thuyết, máy bay trang bị hệ thống tìm kiếm và bám bắt mục tiêu hồng ngoại (IRST) tối tân có thể phát hiện, theo dõi tiêm kích tàng hình F-22 ở khoảng cách khá xa.
Tuy nhiên, ngay cả trong thời tiết tốt, việc dò tìm F-22 bằng hệ thống IRST cũng kém hiệu quả, bởi phạm vi quét của hệ thống này kém radar trong khi RCS của F-22 lại quá nhỏ. F-22 được tích hợp radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) mạnh, hệ thống tác chiến điện tử mới, động cơ vector lực đẩy và tầm bắn đủ xa để giảm thiểu nhu cầu tiếp nhiên liệu trên không.
Khả năng trốn tránh radar của F-22 cho phép nó hoạt động trong những không phận được bảo vệ chặt chẽ, nơi mà các chiến cơ thế hệ 4 như F-18 hoặc F-15 sẽ rất dễ bị tổn thương.
Các chuyên gia quân sự cũng từng chỉ ra rằng dù có thể thực hiện nhiệm vụ ném bom nhưng ưu điểm mạnh nhất của chiếc F-22 Raptor là khả năng không chiến.
Việc sử dụng chiếc F-22 Raptor để oanh tạc IS không có mục đích nào khác ngoài "thử nghiệm" khả năng tác chiến của các phi công, đồng thời, cũng nhằm "răn đe" các quốc gia đối địch với Mỹ ở Trung Đông như Iran, Syria hay các tổ chức khủng bố cực đoan chống Mỹ ở Afghanistan và Pakistan.
Mới đây, Lầu Năm Góc cũng điều 6 chiếc F-22 đến tham gia của tập trận chung với Malaysia như một tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ tới Trung Quốc.
Iran sẽ là cơ hội cho "chim ăn thịt" F-22 thể hiện?
Do tại chiến trường Syria và Iraq hiện không có đối thủ xứng tầm, Không quân Mỹ buộc phải chấp nhận mở rộng nhiệm vụ của siêu tiêm kích F-22 Raptor tập trung vào việc tiêu diệt các mục tiêu trên bộ như chiếc F-16 (rẻ tiền hơn F-22 Raptor rất nhiều) hay chiến đấu cơ đa nhiệm F-35 Lightning (có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ hơn F-22 Raptor).
F-22 Raptor đã chứng tỏ được giá trị của mình khi đóng vai trò "máy bay điều phối" trong các chiến dịch không kích của Mỹ trên không phận Iraq và Syria vốn đầy bất trắc.
Theo các nguồn tin, Iran đã phát triển và bắt đầu sản xuất loạt các hệ radar nội địa với nhiều tính năng ưu việt, có khả năng phát hiện mọi mục tiêu bay, kể cả tàng hình, như hệ thống radar Arash (sử dụng các băng tần VHF, UHF và HF), Silent Radar (mảng pha bị động; có thể lắp đặt và triển khai hoạt động trong thời gian ngắn, không phát ra bất kỳ sóng radar nào, và do đó, không thể bị kẻ thù phát hiện), Ghadir (có tầm quét ngang lên tới 1.100km, cao 300km), giúp cải thiện khả năng phát hiện của mạng lưới phòng không tích hợp.
Chương trình máy bay tàng hình đa nhiệm F-35 (dưới) kế thừa khá nhiều thiết kế của F-22 (trên).
Iran cũng đã đầu tư xây dựng năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) phi đối xứng, kết hợp giữa công nghệ hiện đại và chiến thuật du kích nhằm ngăn Mỹ triển khai lực lượng và di chuyển tự do trên vịnh Ba Tư.
Xung đột Mỹ - Iran nếu bùng phát sẽ xoay quanh khả năng của Tehran, cũng như cách Washington vô hiệu hóa năng lực này. Theo các chuyên gia, để đối phó kịch bản này, Mỹ có thể phải áp dụng chiến dịch "chọc mù quy mô lớn".
Trong giai đoạn đầu xung đột, quân đội Mỹ sẽ tìm cách làm suy yếu, phá vỡ kết nối và loại bỏ mạng lưới chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, tình báo, do thám và trinh sát (C4ISR) … nhằm mở đường tấn công vào các hệ thống chỉ huy và radar cơ động của Iran.
Đòn tấn công từ tàu ngầm, vũ khí tác chiến điện tử và tấn công mạng có thể vô hiệu hóa radar cảnh báo sớm, hệ thống trinh sát trên biển và các sở chỉ huy; oanh tạc cơ Mỹ có thể khai hỏa tên lửa dẫn đường tầm xa, trong khi các đơn vị đặc nhiệm xâm nhập lãnh thổ để phá hoại mạng lưới C4ISR đối phương.
Tehran có thể sử dụng các tổ hợp tác chiến điện tử nhằm vô hiệu hóa tín hiệu GPS và hệ thống C4ISR, loại bỏ khả năng dẫn đường nhiều loại vũ khí, thậm chí tấn công mạng nhằm ngăn Mỹ triển khai quân và thực hiện chiến dịch.
Một yếu tố quan trọng trong chiến dịch quân sự Mỹ là làm chủ không phận.
Phòng không Iran có thể ngụy trang, liên tục cơ động và sử dụng mồi bẫy để phục kích, trong khi không quân được trang bị nhiều máy bay hiện đại và mạng lưới hầm chứa kiên cố nằm sâu trong lãnh thổ sẵn sàng tung đòn đánh bất ngờ vào các đội hình máy bay Mỹ.
Để đối phó, Mỹ sẽ phải sử dụng tiêm kích tàng hình F-22, F-35 và oanh tạc cơ B-2 để tung đòn phủ đầu, vô hiệu hóa mạng lưới phòng không Iran trước khi những chiến đấu cơ cũ hơn tham chiến.
Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nếu không quân Mỹ thiếu căn cứ tiền phương và hải quân không thể triển khai tàu sân bay gần bờ biển Iran.
Nếu xung đột xảy ra, nguy cơ đối đầu giữa F-22 Mỹ và F-14 của Iran sẽ thành hiện thực, vì chắc chắn tiêm kích tàng hình F-22 sẽ được tung ra để áp chế F-14 giành thế thượng phong cho Mỹ bởi lo ngại hệ thống phòng không cực mạnh của Iran.
Sự kết hợp giữa F-14, radar tầm xa Doppler AWG-9 và tên lửa không đối không AIM 54A có tầm bắn khoảng 190km tạo nên một vũ khí đáng sợ của không quân Iran - có thể theo dõi hàng chục mục tiêu và nhắm bắn 6 mục tiêu lớn cùng một lúc.
Radar AN/APG-77 mảng pha chủ động của F-22 Raptor có thể phát hiện F-14 từ khoảng cách hàng trăm km trong khi radar trên F-14 gần như "mù" khi F-22 áp sát.
Ngay cả khi máy bay F-22 Raptor hết tên lửa tầm xa và phải chiến đấu tầm gần, chúng vẫn có thể tận dụng tính năng tàng hình và áp sát F-14 mà không bị phát hiện, và tiêu diệt F-14 với tên lửa AIM-9X hoặc pháo 20mm Vulcan.
Theo Business Insider, với nhiều tính năng ưu việt, hiện F-22 Rapor là tiêm kích duy nhất có thể giúp Mỹ đối phó hiệu quả các mối đe dọa nhằm duy trì ưu thế tuyệt đối trên không.
Cảnh quay buồng lái của F-22 Raptor.
Comments
Post a Comment