Ngay sau khi tuyên bố hủy đòn trả đũa Iran ngay ở phút chót sau khi chiếc máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk bị bắn hạ ở eo Hormuz, Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó lại có thay đổi thái độ siết chặt lệnh trừng phạt Iran và thậm chí nói về kịch bản đòn đánh chớp nhoáng nhằm vào Tehran, nhưng không phải là chiến tranh toàn diện.
Những động thái trên cho thấy rất nhiều khả năng, Iran sẽ sớm ăn đòn trả đũa của Mỹ. Tuy nhiên, nó sẽ không bùng phát là chiến tranh toàn diện với những hành động chính trị rất khôn ngoan và có tính toán của người đứng đầu Nhà Trắng.
Danh dự siêu cường bị tổn hại, Iran sẽ phải ăn đòn
Hành động bắn rơi máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk Mỹ của Iran xét về nhiều khía cạnh rất nhạy cảm không chỉ đối với tình hình căng thẳng vốn đang leo thang giữa Washington và Tehran, mà còn đối với tương lai chính trị của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đương kim Tổng thống Mỹ đã tuyên bố tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ 2 và gần như chắc chắn là đại diện của Đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020.
Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk.
Hành động trên không chỉ khiến làm nóng lên những cái đầu diều hâu vốn coi Iran là cái gai trong mắt, mà còn động chạm tới chiến lược "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông Trump trong mắt người dân Mỹ. Điều này khiến cho việc Iran phải "trả giá" càng trở nên rõ ràng.
Việc Tổng thống Trump không quyết định không kích trả đũa Iran ngay trong ngày 20-6, mà thay vào đó là những tuyên bố ngoại giao vừa mềm, vừa cứng đã thể hiện sự khôn khéo của nhân vật vốn không phải là nhà ngoại giao nhà nòi này.
Ông Trump thời điểm đó chắc chắn hiểu rõ, việc ngay lập tức trả đũa Iran sau vụ việc chiếc RQ-4 Global Hawk bị bắn hạ có thể không đạt được hiệu quả như mong muốn, mà còn ẩn chứa nhiều rủi ro. Khi bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, Iran chắc chắn đã tính tới kịch bản bị tấn công và có phòng bị.
Ngoài ra, sự căng cứng của các kênh ngoại giao thời điểm đó có thể khiến đòn tấn công của Mỹ biến thành chiến tranh toàn diện giữa hai bên. Đây là điều Mỹ không hề mong muốn với thế và lực ở Trung Đông thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, việc ông Trump không vội vã tung đòn phản công nhằm vào Iran cũng là lời khẳng định của ông chủ Nhà Trắng về việc sẽ tiếp tục thực hiện những cam kết của bản thân với người dân Mỹ là không tạo ra các cuộc chiến mới nằm cách xa lãnh thổ nước Mỹ trừ các trường hợp bất khả kháng.
Một điều quan trọng hơn là Tổng thống Mỹ một lần nữa khẳng định không hề mong muốn chiến tranh toàn diện với Iran, cũng như phần nào khiến quốc gia Cận Đông này bớt căng cứng nếu nhận đòn trả đũa giới hạn sau đó.
Với động thái hiện tại, khả năng Iran ăn đòn trả đũa rất rõ ràng khi nó mang lại nhiều lợi điểm cho ông Trump.
Việc trả đũa Iran sẽ giúp Mỹ khẳng định vị thế siêu cường. Việc Iran bắn rơi chiếc RQ-4 Global Hawk cũng giống như "vuốt râu hùm" và cần phải bị trừng phạt. Mỹ chắc chắn không muốn để vụ việc Iran thành tiền lệ xấu trong tương lai.
Cùng với đó, việc mạnh tay với Iran sẽ giúp ông Trump lấy thêm được sử ủng hộ của cử tri Mỹ khi đã thực hiện cam kết khiến thế giới phải tôn trọng nước Mỹ với vị thế của siêu cường hàng đầu.
Vậy! Phải chăng những động thái chính trị của Tổng thống D. Trump là để chuẩn bị cho đòn trả đũa của Mỹ, nhưng không khiến nó thổi bùng ngọn lửa chiến tranh toàn diện giữa Mỹ và Iran.
Sẽ chỉ dừng lại ở mức đòn trả đũa chớp nhoáng
Ngay sau những tuyên bố siết chặt lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin Fox Business News ngày 25-6, Tổng thống D. Trump nhấn mạnh, dù không mong muốn, nhưng nếu xảy ra, đòn trả đũa nhằm vào Iran sẽ chỉ là hành động chớp nhoáng và loại trừ khả năng chiến tranh toàn diện.
Hải quân Mỹ phô diễn sức mạnh.
"Tôi hy vọng rằng chúng ta không phải tấn công. Tuy nhiên, chúng tôi đã có chuẩn bị cho tất cả các kịch bản", ông Trump tuyên bố.
Một đòn không kích chớp nhoáng liệu có làm suy yếu tiềm lực của Iran? Câu trả lời chắc chắn là không. Và điều quan trọng hơn là Tổng thống D. Trump có toàn quyền ký lệnh thực hiện một đòn tấn công như vậy mà không cần phải thông qua Quốc hội Mỹ. Và có thể, đòn trả đũa nhằm vào Iran có thể xảy ra bất ngờ trong nay, mai.
Liệu kịch bản căn cứ quân sự Sharyat hay các cơ sở vũ khí hóa học của Syria có lặp lại? Và những động thái chính trị trước đó là để chuẩn bị sẵn cho kịch bản này.
Đòn không kích chớp nhoáng với thiệt hại tối thiểu trong mức chấp nhận liệu có khiến Iran tổng lực phản kích để đây xung đột thành chiến tranh toàn diện. Tehran cũng chắc hiểu rõ, Mỹ vẫn là siêu cường và nếu đẩy lên chiến tranh toàn diện, Mỹ có thiệt hại thì Iran cũng tan nát.
Mặt khác, đòn đánh hạn chế này có thể là điểm nhấn quan trọng để hai bên xuống thang căng thẳng khi vẫn giữ được thể diện cho ông Trump, cũng như Washington.
Vậy kịch bản nào sẽ xảy ra? Nhưng việc Iran sớm nhận đòn trả đũa của Mỹ là việc nhãn tiền…
Comments
Post a Comment