"Quân tiên phong" của Mỹ đối đầu Iran ở Vịnh Ba Tư
Nếu Mỹ và Iran giao tranh ở Vịnh Ba Tư, các tàu chiến nhỏ nhất trong kho của Hải quân Hoa Kỳ có thể là những chiến binh đầu tiên xung trận
Các tàu tuần tra lớp "Cyclone/Lốc xoáy" được trang bị cho các đội tuần tra ven bờ với lượng giãn nước chỉ khoảng 330 tấn. Con số này quá nhỏ bé nếu so với khu trục hạm lớp Arleigh Burke với lượng giãn nước khoảng 9,000 tấn.
Một thủy thủ đoàn tiêu chuẩn trên chiếc Cyclone chỉ vỏn vẹn 28 sĩ quan và thủy thủ.
Tàu tuần tra lớp Cyclone được sản xuất 14 chiếc, trong đó 13 chiếc trong trang bị của Hải quân Hoa Kỳ và 1 chiếc trong Hải quân Philippines.
10 chiếc Cyclone hoạt động với căn cứ "mẹ" ở Bahrain sẽ là "tiên phong" của Mỹ ở Vịnh Ba Tư. Chúng là những tàu chiến duy nhất của Hoa Kỳ hoạt động vĩnh viễn ngoài khơi Iran, các tàu lớn hơn được định kỳ triển khai đến khu vực.
Cyclone không phải là loại tàu thường được biết đến. Trong quá khứ Hải quân Mỹ đã không đánh giá cao các tàu dài 55 m này.
Lưỡng viện Hoa Kỳ năm 2015 cũng đã không đồng thuận với kế hoạch trang bị 280 chiếc mà Hải quân kỳ vọng sẽ đóng vai trò chính trong các cuộc xung đột trên biển quy mô lớn.
Mỗi một chiếc Cyclone có hai khẩu pháo 25 mm, súng máy, súng phóng lựu và hai hệ thống phóng bốn nòng sử dụng tên lửa chống hạm tầm ngắn Griffin, Cyclone được cho là tàu chiến được vũ trang mạnh nhất của Hoa Kỳ nếu so với kích cỡ của chúng.
Raytheon đã phát triển tên lửa tầm ngắn Griffin "giá rẻ" với chi tiết được lấy từ các dự án tên lửa trước đó như tên lửa chống tăng vác vai tự dẫn FGM-148 Javelin và tên lửa không đối đất tầm ngắn AIM-9X Sidewinder .
Đối đầu với Iran trên biển: Một cuộc "đồ sát"?
Kể từ khi các tàu tuần tra Cyclone được đưa vào trang bị vào giữa những năm 1990 cho đến nay, Hải quân Hoa Kỳ đã phải vật lộn để tìm một vị trí cho nó trong một hạm đội thống trị bởi các tàu sân bay, tàu tuần dương và tàu khu trục lớn hơn nhiều.
Các tàu tuần tra này thiếu tầm hoạt động và khả nặng tự bảo vệ, vì vậy Hải quân Mỹ phải thuê các tàu chở hàng hạng nặng để chuyên chở chúng khi di chuyển giữa các đại dương.
Cyclone đã mất một thập kỷ trong tình trạng lấp lửng. Nhưng sau cuộc xâm lược Iraq năm 2003, những chiếc thuyền tuần tra đột nhiên có cơ hội "tỏa sáng".
Kẻ địch lớn nhất của tàu tuần tra Cyclone ở Vịnh Ba Tư: Cano cao tốc gắn rocket tầm ngắn của Iran.
Vùng nước của Vịnh Ba Tư xung quanh khu vực cảng xuất khẩu dầu duy nhất của Iraq quá cạn cho các khu trục hạm và tuần dương hạm hoạt động. Vì vậy, để bảo vệ các vị trí dầu mỏ chiến lược, Hải quân Mỹ đã triển khai tàu tuần tra Cyclone.
Những tàu chiến nhỏ bé nhưng cứng cáp đã tỏ ra lão luyện trong các cuộc tuần tra trong vùng nước cạn.
Sau khi hải quân Iraq tiếp quản việc bảo vệ cảng xuất khẩu dầu vào giữa những năm 2000, Cyclone đã chuyển sang các nhiệm vụ khác ở vùng biển giữa Iraq và Iran.
Để chuẩn bị tốt hơn cho các tàu tuần tra chiến đấu ở vùng biển nông, nhiều tàu thuyền di chuyển hỗn loạn và bất trắc tiềm ẩn này, năm 2013 Hải quân bắt đầu cải tiến và bổ sung tên lửa Griffin để tăng cường đáng kể hỏa lực của Cyclone.
Cyclone có lẽ có thể thắng trong cuộc chiến bằng hỏa lực tầm ngắn với các cano cao tốc được trang bị rocket thô sơ của lực lượng vũ trang Iran.
Nhưng tàu tuần tra thiếu hệ thống phòng không này sẽ trở nên dễ bị tổn thương trước các tên lửa chống hạm hạng nặng được Iran phóng từ trên không và trên biển.
Cùng với đó là số lượng vượt trội của hàng trăm cano cao tốc Iran có thể làm bão hòa khả năng tấn công và phòng thủ của Cyclone và đưa đoàn quân "tiên phong" này của Mỹ vào một cuộc "đồ sát" của Hải quân Iran.
Hải quân Hoa Kỳ đang có kế hoạch thay thế Cyclone bằng các tàu tuần tra không người lái, nhưng đó là chuyện của tương lai xa. Ở hiện tại, thủy thủ đoàn của 10 chiếc Cyclone trên Vịnh Ba Tư có lẽ là những người không mong chiến tranh giữa Mỹ và Iran xảy ra nhất.
Tàu tuần tra Cyclone, một tàu chiến cỡ nhỏ nhưng lại được vũ trang mạnh nhất trong Hải quân Mỹ nếu tính theo kích cỡ.
Comments
Post a Comment