Hãng thông tấn Sputnik cho hay, vừa hoàn thành việc chuyển giao 24 máy bay tiêm kích đa năng Su-35S đầu tiên cho Trung Quốc vào năm nay, Moscow đã thông báo muốn cung cấp đợt thứ 2 cho Không quân Trung Quốc.
"Chúng tôi đang chờ đợi phản hồi từ Trung Quốc về đề nghị mua vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại được sản xuất tại Nga, bao gồm cả lô Su-35S bổ sung", Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Liên bang (FSVTS) cho hay tại Army 2019.
"Mua để lấy công nghệ" - 24 là đủ!
Hồi tháng 4/2019, Nga đã hoàn toàn việc chuyển giao 24 máy bay tiêm kích Su-35S cho Trung Quốc có giá trị đơn hàng tới 2,5 tỷ USD.
Kể từ đó tới nay, Bắc Kinh chưa có phản hồi nào ít nhất là được công khai trên giới truyền thông về lô hàng cũng như định hướng tương lai của họ - mua hay dừng!
Có lẽ điều này đã khiến Moscow "sốt ruột" vì chắc chắn với khách hàng có ngân sách quốc phòng khổng lồ như Trung Quốc thì 24 là con số nhỏ.
Bởi trước đó, trong quá trình đàm phán dai dẳng giữa hai bên, Tập đoàn Rosoboronexport từng tiết lộ rằng mong muốn Trung Quốc đặt hàng tối thiểu là 48 chiếc để bù đắp rủi ro đánh cắp công nghệ.
Việc này đã khiến quá trình đàm phán đi vào bế tắc một thời gian và phải tới cuối năm 2012, mức mua tối thiểu hạ xuống 24 thì hai bên mới đi tới ký kết.
Không loại trừ khả năng, phía Nga đã yêu cầu Trung Quốc cam kết việc sau khi hoàn toàn đợt mua đầu tiên, hai bên sẽ bước vào hợp đồng bổ sung với số lượng tương tự.
Su-35S của Không quân Trung Quốc.
Vậy nên có thể chỉ ra hai viễn cảnh gồm:
- Thứ nhất, điều mà rất nhiều người sẽ nghĩ tới với lịch sử mua vũ khí Nga của Trung Quốc đó là họ sẽ dừng lại ở con số 24. Với số này, Trung Quốc có thể hi sinh 1-2 chiếc cho "nhiệm vụ mổ xẻ, phá tung mọi thứ nghiên cứu từ A-Z" rồi lấy tất cả những công nghệ mà họ đang ước có.
Từ đó, Trung Quốc có thể tạo ra một chiếc J-XX ngang ngửa Su-35, hoặc dùng để hoàn thiện các mẫu tiêm kích J-11, J-15, J-16 và J-20.
- Thứ hai, có thể sau khi nhận đợt đầu, Trung Quốc cần một khoảng thời gian để đánh giá chất lượng, thử nghiệm tính năng của Su-35 trước khi ra một quyết định tiếp theo.
Khả năng Trung Quốc sẽ vẫn ký mua thêm Su-35 (khoảng 24 hoặc 48), nhưng sẽ mất nhiều thời gian để ra một quyết định khác.
Có lẽ lúc này họ đang tranh cãi về việc nên hay không mua tiếp Su-35 khi mà Trung Quốc vốn dĩ không hẳn là thiếu tới mức nghiêm trọng các máy bay chiến đấu thế hệ 4 hiện đại.
Bởi mua tiếp, ít nhất tối thiểu tổng cộng hai lần mua đạt 48 chiếc là đủ theo yêu cầu lỗ lãi của Nga. Việc này sẽ giúp Moscow "mát lòng mát dạ" và thuận tiện cho hợp tác quân sự - kỹ thuật giữa hai nước về sau.
Vì khi giao đợt đầu Su-35S cho Trung Quốc, ông Viktor Kladov - Giám đốc Hợp tác quốc tế và chính sách khu vực Tập đoàn Rostec lưu ý rằng Tổng thống Putin có thể cho phép xuất khẩu Su-57 sang Trung Quốc.
Rõ là muốn có Su-57 tối tân, sở hữu công nghệ "hiện đại chưa từng thấy", Trung Quốc nên thể hiện sự "cầu thị, hợp tác" của mình hơn là trái ý Moscow.
Nga có thể bán cho Trung Quốc Su-57.
Trung Quốc lấy gì từ Su-35S, Su-57?
Rất nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất có lẽ những thành phần chính gồm radar, động cơ và các loại tên lửa mới trang bị cho Su-35S.
Trước mắt, với Su-35S, Trung Quốc có thể thu về cho mình bản mẫu radar đáng mơ ước - N035 Irbis-E có khả năng phát hiện mục tiêu trên không ở cự ly 400km, theo dõi 30 mục tiêu và dẫn tên lửa hạ 8 mục tiêu cùng lúc.
Ngoài ra, trên Su-35S còn có một số khí tài điện tử khác như trạm quang - điện OLS-35 cho phép phát hiện được tín hiệu hồng ngoại phát ra từ động cơ mọi loại máy bay gồm cả F-22; hệ thống tác chiến điện tử L175M Khibiny đều rất có giá trị.
Về động cơ, Saturn AL-41F1S là cái tên đáng mơ ước với mọi máy bay chiến đấu J-XX lúc này.
Loại động cơ này cho phép Su-35 có khả năng đối phó với không chỉ F-35 mà cả F-22 chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc dù mất toi một chiếc Su-35 cũng cố có cho bằng được.
Bởi theo một số nguồn tin, để phòng tránh việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ, động cơ và nhiều khí tài khác có thể bị phía Nga hàn chết vào thân máy bay.
Với Su-57, mọi công nghệ còn hấp dẫn hơn nhiều so với Su-35S. Ví dụ như công nghệ tàng hình tối mật không chỉ nhờ kết cấu hình dạng, sơn phủ hấp thụ sóng radar mà còn cả kỹ thuật Plasma vô cùng bí ẩn.
Tổ hợp điện tử vô tuyến tích hợp đa năng Sh121 với siêu radar Byelka có tầm trinh sát 400km, theo dõi 60 mục tiêu và hạ 16 mục tiêu cùng lúc; hệ thống tác chiến điện tử L402 Himalayas hay hệ thống quang - điện 101KS Atoll đều là những công nghệ hiện đại nhất.
Chắc chắn, Trung Quốc khao khát hơn bao giờ hết, chỉ với 1/2, thậm chí là 1/3 số công nghệ đó cũng khiến tiêm kích tàng hình J-20 và J-31 của nước này trở nên tin cậy và đáng sợ hơn bao giờ hết.
Tất nhiên, Moscow thừa hiểu bán vũ khí (kể cả Su-57) cho Trung Quốc thì 99% sẽ mất công nghệ, nhưng họ chấp nhận bởi không phải nước nào đủ tài chính để mua số lượng lớn. Do đó, họ đồng ý bán nhưng chỉ bán với số lượng lớn để bù cho khoản tiền thiệt hại khi bị sao chép.
Không quân Trung Quốc cải thiện khả năng tác chiến với Su-35S.
Comments
Post a Comment