Vào những ngày cuối tháng Sáu sau khi hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản kết thúc bao gồm cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, Lực lượng Tên lửa Trung Quốc đã cho tiến hành các vụ phóng thử tên lửa ở Biển Đông .
Vụ phóng thử tên lửa của Trung Quốc ở Biển Đông nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi nhiều nguồn tin cho rằng, đây có thể là vụ phóng tên lửa đạn đạo chống hạm.
Lâu nay, Mỹ đã nắm được thông tin chính quyền Bắc Kinh dồn tiền của để phát triển năng lực quân sự nhưng các vụ phóng thử tên lửa trước đây chỉ được quân đội Trung Quốc thử nghiệm trong đất liền. Do đó, vụ phóng tên lửa ở Biển Đông là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai ở vùng biển mở.
Mặc dù cho tới nay, chính xác loại tên lửa Trung Quốc cho phóng thử trên Biển Đông vẫn chưa có kết luận cuối cùng, nhưng nhiều khả năng đây là 2 loại tên lửa DF-21D và DF-26.
Trong đó, DF-21D vốn được mệnh danh là "sát thủ diệt tàu sân bay", còn DF-26 là loại tên lửa có tầm xa hơn nhiều so với DF-21D.
Cụ thể, DF-21D có tầm bắn khoảng 1.500 km, còn DF-26 được cho có tầm bắn lên tới 4.000 km. DF-26 được đặt biệt danh là "sát thủ diệt Guam" vì tên lửa này có khả năng tấn công vùng lãnh thổ ở nước ngoài của Mỹ khi được phóng từ đất liền Trung Quốc.
Theo biên tập viên tạp chí The Diplomat, ông Ankit Panda, thông tin Trung Quốc phóng thử tên lửa chống hạm trên Biển Đông càng khiến mối lo ngại lâu nay của Mỹ trở thành sự thật. Nói cách khác, Mỹ lo ngại nếu không may xảy ra xung đột, Trung Quốc sẽ dùng năng lực quân sự ngày càng lớn mạnh để tấn công vào các tàu thuyền của hải quân Mỹ ở Biển Đông .
Ông Panda cũng nhấn mạnh thêm, dù Mỹ - Trung vẫn cố né tránh phải đối đầu quân sự với nhau, nhưng xung đột và leo thang căng thẳng là điều không thể đoán trước.
Trong khi đó, suốt nhiều năm qua, giới hoạch định chính sách quân sự Mỹ vẫn muốn duy trì năng lực hoạt động tầm xa của hải quân Mỹ để hỗ trợ cho các đồng minh như Đài Loan và Philippines. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các loại tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc đang trở thành thách thức và đe dọa tới lợi thế lâu nay Mỹ nắm giữ.
Do đó, một phần mục đích trong cuộc thử nghiệm tên lửa của Trung Quốc ở Biển Đông là phô trương sức mạnh quân sự nhằm ngăn chặn Mỹ có ý định khơi mào chiến tranh đồng thời gửi lời cảnh báo tới giới lãnh đạo Mỹ về việc đưa các tàu sân bay ra khỏi tầm bắn của tên lửa chống hạm Trung Quốc .
Nói cách khác, quân đội Trung Quốc dễ dàng dành được phần thắng trong cuộc chiến tâm lý với Mỹ. Bởi Mỹ sẽ nhận ra rằng, cuộc chiến giữa hai bên ở Biển Đông là vô cùng lãng phí tiền của và không mang lại lợi ích cho đôi bên.
Và giống như mọi lần, Mỹ vẫn chỉ đưa ra những tuyên bố mang tính chung chung chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Vào ngày 2/7, Lầu Năm Góc nhấn mạnh, hành động của quân đội Trung Quốc đã "làm xáo trộn" tình hình và trái với cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa trong khu vực.
"Tuyên bố của tôi không đại diện cho bất cứ quốc gia nào có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng chúng tôi chắc chắn một điều là hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại với lời cam kết duy trì nền hòa bình trong khu vực và dĩ nhiên hành động này mang tính bắt nạt các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông", Reuters dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dave Eastburn.
Sự xuất hiện của các tên lửa chống hạm Trung Quốc cũng đe dọa tới ưu thế lâu nay Mỹ nắm giữ ở Biển Đông.
Trước đó, chính phủ Trung Quốc thông báo quân đội nước này đang tiến hành các cuộc tập trận ở khu vực nằm giữa quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Cuộc tập trận kéo dài 5 ngày của quân đội Trung Quốc từ ngày 29/6 - 3/7.
Ngoài ra, hoạt động đi lại của các tàu thuyền trong khu vực quân đội Trung Quốc tập trận đều bị phong tỏa. Tuy nhiên, thông báo từ chính phủ Trung Quốc lại không nhắc tới các vụ phóng thử tên lửa trên Biển Đông.
Trên thực tế, phản ứng mạnh mẽ nhất của Mỹ đối với hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông có thể kể tới việc Mỹ loại hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận đa phương mang tên "Vành đai Thái Bình Dương" RIMPAC hồi năm 2018.
Bên cạnh đó, nhằm đáp trả Bắc Kinh ngang nhiên tăng cường cải tạo, xây dựng hàng loạt hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), Mỹ tuyên bố tiếp tục điều tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến biển chiến lược bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.
Theo ông Panda, hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng là một phần lý do khiến Mỹ tính tới chuyện tân trang và xây mới nhiều căn cứ quân sự ở khu vực Thái Bình Dương. Đây cũng là bước đi của Mỹ nhằm chuẩn bị cho tình huống có thể mất đảo Guam nếu không may Mỹ - Trung rơi vào cảnh xung đột quân sự.
Comments
Post a Comment